Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Giới thiệu công cụ Phân tích kỹ thuật Amibroker.

Đầu tiên các bạn tải về và cài đặt chương trình Amibroker + Metakit : Tại đây 

1.Cấu hình tham số phần mềm Metakit

Bước 1:Muốn sử dụng chương trình Metakit các bạn phải đăng ký tài khoản ( miễn phí ) tại : stockbiz.vn
Bước 2:Sau khi đăng ký thành công bạn tiến hành đăng nhập vào chương trình Metakit.


Bước 3: Thiết lập các tham số giống như hình dưới đây.


2.Cập nhật dữ liệu cho Amibroker

Thực hiện theo các bước sau:
-       Tạo cơ sở dữ liệu EOD:.
Chọn File->New->Database


Trong mục Database folder, chọn thư mục bạn muốn lưu cơ sở dữ liệu EOD.
Chọn Create để tạo cơ sở dữ liệu


Trong mục Data Source, chọn Metastock data plugin
Trong mục Base time interval, chọn End Of Day
Click Configure để cấu hình cơ sở dữ liệu
Click Add folder để chọn các thư mục dữ liệu EOD do phần mềm Stockbiz MetaKit tải về (Bạn thực hiện thao tác Add folder nhiều lần để thêm các thư mục ứng với dữ liệu EOD do MetaKit tải về)
Click Retrieve symbols để nhận dạng các mã CK trong các thư mục dữ liệu. Nếu bạn không thực hiện thao tác này bạn sẽ không thấy được các mã chứng khoán trong cơ sở dữ liệu vừa tạo.


Click OK để lưu cấu hình
Click OK lần nữa để kết thúc quá trình tạo cơ sở dữ liệu

-       Tạo cơ sở dữ liệu Intraday:. ( Chỉ sử dụng để tra cứu giá cổ phiếu trong thời gian giao dịch, nếu không cần thiết bạn có thể bỏ qua bước này )

    Do AmiBroker chỉ xử lý tốt các thư mục giá Intraday (do MetaKit tải về) có không quá 255 mã chứng khoán, cho nên để cung cấp dữ liệu real-time cho AmiBroker, trong mục Thiết lập cần phải bật tùy chọn Phân các mã CK vào các thư mục con theo vần A-Z (khi đó các dữ liệu tải về của các mã CK sẽ được tổ chức thành các thư mục theo vần, mỗi thư mục sẽ có không có quá nhiều mã, giúp AmiBroker đọc dữ liệu chính xác hơn).
Chọn File->New->Database
Trong mục Database folder, chọn thư mục bạn muốn lưu cơ sở dữ liệu Intraday.
Chọn Create để tạo cơ sở dữ liệu


Trong mục Data Source, chọn Metastock data plugin
Trong mục Base time interval, chọn Tick
Click Configure để cấu hình cơ sở dữ liệu
Click Add folder để chọn các thư mục dữ liệu Intraday do phần mềm Stockbiz MetaKit tải về (Bạn thực hiện thao tác Add folder nhiều lần để thêm các thư mục ứng với dữ liệu Intraday do MetaKit tải về)
Click Retrieve symbols để nhận dạng các mã CK trong các thư mục dữ liệu. Nếu bạn không thực hiện thao tác này bạn sẽ không thấy được các mã chứng khoán trong cơ sở dữ liệu vừa tạo.
Bật tùy chọn Intraday refresh để biểu đồ AmiBroker tự động refresh khi có dữ liệu thay đổi.


Click OK để lưu cấu hình
Click OK lần nữa để kết thúc quá trình tạo cơ sở dữ liệu

Sau khi tạo xong 2 cơ sở dữ liệu, về sau khi muốn xem biểu đồ EOD, mở cơ sở dữ liệu EOD, ngược lại muốn xem biểu đồ Intraday, mở cơ sở dữ liệu Intraday.
Trong thời gian giao dịch, nếu các mục Tự động cập nhật dữ liệu được bật (Thiết lập trong mục Cấu hình tham số phần mềm), biểu đồ EOD cũng như Intraday của các Index hoặc mã CK được mở trong AmiBroker sẽ liên tục được cập nhật (Với biểu đồ EOD, chỉ có điểm cuối cùng trên biểu đồ tương ứng với dữ liệu ngày hôm nay thay đổi).

3.Thực hiện cập nhật dữ liệu hàng ngày.
Sau khi hoàn thành 2 phần trên tức là bạn đã hoàn thành đầy đủ các thao tác cần thiết để cập nhật dữ liệu cho Amibroker, những thao tác ở phần 2 chỉ phải thực hiện 1 lần đầu tiên.

Giờ đây để cập nhật dữ liệu, bạn chỉ cần đăng nhập vào Metakit, rồi ấn "Cập nhật" , rồi đợi quá trình cập nhật hoàn tất là xong.

4.Sử dụng Amibroker.
-Cách 1: bạn có thể sử dụng Google để tham khảo cách thiết lập các chỉ báo trong Amibroker.
-Cách 2: 

Download 2 cái này về : http://www.mediafire.com/?rl6i812z2bbkz6l

và http://www.mediafire.com/?2m4rx5knk5sbx1i

1. Uninstall Amibroker đi. ( nếu đã cài sẵn )
2. Giải nén, copy cả folder có tên Amibroker --> paste vào C: --> Program Files
3. Giải nén, copy cả folder có tên MetaStock Data --> paste vào C:
4. Vào C: --> Program Files --> Amibroker --> chạy file Broker.exe

Để update dữ liệu hàng ngày các bạn vẫn phải dùng Metakit nhé.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Những kiến thức cơ bản về Chứng khoán (Phần 2)

Một tuần trôi qua thật nhanh, chúng ta lại được gặp nhau ở Lớp học Online này. Các bạn đã làm bài tập về nhà đầy đủ đấy chứ? Ở bài trước tôi đã trình bày những kiến thức cơ bản nhất về TTCK, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tiến thêm 1 bước sâu hơn nữa vào thế giới của Chứng khoán.

1.Đầu tư Giá trị và đầu tư Tăng trưởng.
Trên Thế giới người ta chia các nhà đầu tư ra làm 2 trường phái chính: Giá trị (value) và Tăng trưởng (growth). Phân loại ở đây không có nghĩa là bắt buộc người ta phải gắn vào một phong cách nhất định, mà đơn giản chỉ để cho chúng ta dễ phân biệt. Nhiều nhà đầu tư đã biết kết hợp hài hòa giữa 2 phong cách và phát triển thành phong cách của riêng mình. 

Đầu tư Giá trị.
-Khẩu hiệu: "Mua giá thấp, bán giá cao"
-Đại diện tiêu biểu: Benjamin Graham, Warren Buffett, David Dodd.

-Các  nhà đầu tư giá trị tìm kiếm những cổ phiếu "giá rẻ" ( cổ phiếu bị thị trường định giá thấp ). Họ so sánh Thị giá của cổ phiếu với những chỉ số tài chính của công ty như Lợi nhuận, Tài sản, Tiền mặt, Doanh số bán hàng. Dựa vào những chỉ số tài chính đó họ tính ra được Giá trị của cổ phiếu. Nếu Thị giá của cổ phiếu thấp hơn so với Giá trị của cổ phiếu một khoảng giá nào đó, thì khoảng giá đó được gọi là Biên độ an toàn. Nếu Biên độ an toàn càng lớn thì cổ phiếu càng đáng để đầu tư.
Ví dụ: cổ phiếu VIC có thị giá 100k, bạn cho rằng giá trị của VIC đáng giá 150k thì khoảng giá 50k được gọi là Biên độ an toàn. Thương vụ này đáng để bạn xem xét.

-"Cổ phiếu giá trị" có P/E thấp và P/B cao, cổ tức hàng năm ổn định.
-Biến động giá lên xuống của cổ phiếu trong ngắn hạn không ảnh hưởng đến tâm lý của Nhà đầu tư giá trị, họ sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu cho đến khi Thị giá của cổ phiếu tiến sát đến Giá trị.

Đầu tư Tăng trưởng
-Khẩu hiệu: "Mua bất cứ giá nào, bán ra giá cao hơn"
-Đại diện tiêu biểu: Peter Lynch, Martin Zweig, William O’Neil.

-Các nhà đầu tư tăng trưởng tìm kiếm những công ty có "tiềm năng" và mua vào cổ phiếu của công ty đó. Những công ty tiềm năng là những công ty có Sản phẩm mới, Doanh số bán hàng tăng vọt, Mở rộng thị trường ra nước ngoài, lãnh đạo giỏi.
Ví dụ: cổ phiếu PVG có thị giá 10k, báo cáo tài chính cho biết PVG có lợi nhuận kinh doanh quý 1 tăng đột biến , và có khả năng tiếp tục tăng đến hết năm. Cổ phiếu này đáng để bạn "đua trần" phiên ngày mai đó.

-"Cổ phiếu tăng trưởng" có EPS (lợi nhuận/cổ phiếu) cao và đà tăng giá mạnh, cổ tức không quan trọng.
-Nhà đầu tư tăng trưởng sẵn sàng mua cổ phiếu với giá cao, thậm chí không quan tâm đến giá của cổ phiếu vì họ kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ còn tăng nữa. Nhưng nếu lợi nhuận kinh doanh của công ty không được như ý muốn, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro giảm giá của cổ phiếu.

Nhìn chung Nhà đầu tư Tăng trưởng có khả năng chịu rủi ro cao hơn, trong khi Nhà đầu tư Giá trị có xu hướng tìm đến sự an toàn nhiều hơn. Đầu tư giá trị  quan tâm đặc biệt tới P/E , P/B còn đầu tư tăng trưởng chú trọng vào EPS.

Đầu tư tăng trưởng mang hơi hướng của sự Đầu cơĐầu tư giá trị thuần túy 100% là Đầu tư.

2.Phân tích Cơ bản và phân tích Kỹ thuật.
Có 2 cách để phân tích một cổ phiếu. Cách thứ nhất là sử dụng công cụ Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis), dựa trên những thông tin về "sức khỏe" hiện tại và "tiềm năng" phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Cách thứ hai là sử dụng công cụ Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis), dựa vào những biến động về giá của cổ phiếu trong quá khứ và hiện tại để dự đoán giá của cổ phiếu trong tương lai.

Nói một cách đơn giản:
-Phân tích cơ bản: sử dụng Bản cáo bạch để phân tích Doanh nghiệp.
-Phân tích kỹ thuật: sử dụng Biểu đồ để phân tích Cổ phiếu (của Doanh nghiệp).

A.Những công cụ cần thiết của Phân tích Cơ bản:
Mỗi công cụ phân tích được ví như mỗi bộ phận khác nhau tạo nên chiếc xe ô tô. Nếu như xuất hiện 1 chỉ báo tốt của doanh nghiệp thì không có nghĩa là ta nên đầu tư vào doanh nghiệp đó. Muốn lắp ráp một chiếc xe tốt thì tất cả các bộ phận tạo nên chiếc xe phải hoàn hảo, tương tự một doanh nghiệp tốt phải thể hiện ở tất cả các chỉ báo khác nhau.

-Dòng tiền - Cash flow: Ấn vào Đây.
-Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn - Current Ratio: Ấn vào Đây.
-Khả năng thanh toán nhanh - Quick Ratio: Ấn vào Đây.
-Tỷ lệ cổ tức trên thị giá cổ phần - Dividend Yield: Ấn vào Đây.
-Thu nhập ròng trên cổ phần - EPS : Ấn vào Đây.
-Hệ số biên lợi nhuận ròng - Net Profit Margin: Ấn vào Đây.
-Hệ số giá thị trường trên giá ghi sổ - P/B : Ấn vào Đây.
-Hệ số giá trên thu nhập một cổ phần - P/E : Ấn vào Đây.
-Chỉ số giá trên doanh thu - P/S : Ấn vào Đây.
-Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần - ROE : Ấn vào Đây.

Lưu ý: Bạn hãy đọc hết các khái niệm phía trên để hiểu rõ ý nghĩa của từng chỉ báo. Có một điều may mắn là bạn sẽ không phải ngồi hì hục tính toán để biết được P/B , P/E hay EPS của cổ phiếu là bao nhiêu, mà chỉ việc lên các trang web về tài chính là có thể tra cứu được tất cả các thông số quan trọng của doanh nghiệp. Địa chỉ các trang web tôi đã post ở Chương 1.

Ví dụ tham khảo về các chỉ số cơ bản của cổ phiếu HAG tại trang Stockbiz : Ấn vào Đây.
Nếu bạn muốn tìm hiểu về Bản cáo bạch và cách đọc, bạn có thể tải tài liệu tham khảo ở Đây.

B.Những công cụ cần thiết của Phân tích kỹ thuật:
Hiện nay có rất nhiều chỉ báo kỹ thuật được sử dụng trên Thế giới, mỗi chỉ báo đều có ưu nhược điểm khác nhau. Sau khi thử mày mò tìm hiểu rất nhiều chỉ báo khác nhau, áp dụng vào TTCK Việt Nam tôi đã rút ra kết luận rằng: "Sử dụng càng ít chỉ báo càng hiệu quả". Dưới đây là những chỉ báo tôi cho là cần thiết nhất và phù hợp nhất đối với TTCK Việt Nam.

-Nến Nhật Bản ( Japanese CandleStick )
Là một dạng biểu đồ do người Nhật phát minh có hình dạng giống cây nến. Mỗi cây nến thể hiện biến động giá của cổ phiếu trong 1 khoảng thời gian nhất định: 1 phút, 1 giờ, 1 ngày,  1 tuần, 1 tháng, 1 năm...
Ở đây tôi quy định như sau cho dễ hiểu:
+Cây nến có màu xanh cho biết giá đóng cửa phiên hôm nay cao hơn giá đóng cửa phiên hôm qua.
+Cây nến có màu đỏ cho biết giá đóng cửa phiên hôm nay thấp hơn giá đóng cửa phiên hôm qua.
+Một cây nến Rỗng cho biết giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa. ( trong 1 phiên )
+Một cây nến Đặc cho biết giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa. ( trong 1 phiên )

Nếu bạn muốn nghiên cứu kỹ hơn về Nến Nhật Bản, bạn có thể tải về tài liệu tham khảo tại Đây.

-Khối lượng ( Volume )
Đây là chỉ báo đơn giản nhất nhưng cũng quan trọng nhất để phân tích thị trường cũng như phân tích cổ phiếu. Khối lượng quan trọng vì nó cho biết lượng cung ( cầu ) đối với cổ phiếu mạnh đến mức nào. Nếu giá cổ phiếu tăng, kèm theo khối lượng tăng chứng tỏ nhu cầu mua cổ phiếu lớn hơn nhu cầu bán, và ngược lại.

-Bollinger Bands
Là một công cụ để nhận biết xu hướng giá của cổ phiếu. Bollinger Bands bao gồm 3 đường: Dải trên, Dải dưới, và Đường trung bình giá của 20 phiên gần nhất. Bạn chỉ cần nhớ:
+Đường trung bình giá ( Moving Average ) cho biết xu hướng của cổ phiếu trong 20 phiên gần nhất: Giá cổ phiếu vượt lên trên đường MA thể hiện xu hướng đi lên, và ngược lại.
+Giá cổ phiếu vượt qua khỏi Dải trên tức là cổ phiếu đang tiến tới khu vực quá mua.
+Giá cổ phiếu đi xuống quá Dải dưới tức là cổ phiếu đang tiến tới khu vực quá bán.

-Parabolic Sar
Là một chỉ báo xu hướng giá của cổ phiếu. Khi đường giá đi xuyên qua đường Sar có nghĩa là xu hướng của cổ phiếu đã bị thay đổi. Bạn chỉ cần nhớ:
+Đường giá nằm trên đường Sar tức là cổ phiếu đang trong xu hướng tăng.
+Đường giá nằm dưới đường Sar tức là cổ phiếu đang trong xu hướng giảm.
+Đường Sar đang từ phía dưới chuyển lên phía trên đường giá --> Tín hiệu kết thúc xu hướng tăng.
+Đường Sar đang từ phía trên chuyển xuống phí dưới đường giá --> Tín hiệu kết thúc xu hướng giảm.

-Relative Strength Index ( RSI )
Là chỉ số tương quan sức mạnh. Tỷ lệ giữa mức giá trung bình của số ngày tăng giá so với mức giá trung bình của những ngày giảm giá trong một giai đoạn nhất định. Định nghĩa hơi khó hiểu nên bạn chỉ cần nhớ như sau:  
+Nếu đường RSI đi xuống dưới 30 nghĩa là cổ phiếu đang tiến tới khu vực quá bán ( OverSold )
+Nếu đường RSI đi lên trên 70 nghĩa là cổ phiếu đang tiến tới khu vực quá mua ( OverBought )

-Stochastic Oscillator
Là một công cụ để nhân biết xu hướng giá của cổ phiếu. Mỗi chỉ báo Stochastic sử dụng hai đường, %K%D. Bạn không cần phải biết %K%D được tính như thế nào, bạn chỉ cần nhớ rằng:
+Nếu đường %K%D đi xuống dưới 20 nghĩa là cổ phiếu đang tiến đến khu vực quá bán.
+Nếu đường %K%D đi lên trên 80 nghĩa là cổ phiếu đang tiến đến khu vực quá mua.
+Ở khu vực dưới 20: Nếu đường %K cắt %D hướng lên trên --> Tín hiệu mua vào.
+Ở khu vực trên 80: Nếu đường %K cắt %D hướng xuống dưới --> Tín hiệu bán ra.

-MACD 
Là một công cụ để nhận biết xu hướng giá của cổ phiếu. Ở đây tôi quy định đường MACD là đường màu xanh, đường tín hiệu là đường màu đỏ. Bạn chỉ cần nhớ :
+Khi MACD cắt đường tín hiệu và hướng lên trên thì sẽ cho một tín hiêu Mua.
+Khi MACD cắt đường tín hiệu và hướng xuống dưới thì sẽ cho một tín hiêu Bán.

Biểu đồ minh họa:



Trên đây tôi đã giới thiệu với các bạn những công cụ Phân tích kỹ thuật cần thiết nhất cho TTCK Việt Nam. Cũng giống như Phân tích cơ bản, mỗi chỉ báo đều có ưu nhược điểm khác nhau, vì vậy bạn phải biết kết hợp linh hoạt giữa các chỉ báo để có thể đạt độ chính xác cao trong các quyết định mua bán của mình.

Chúng ta kết thúc bài học của ngày hôm nay tại đây. Ở buổi sau tôi sẽ hướng dẫn các bạn sử dụng chương trình Amibroker, đây là một ứng dụng rất tuyệt dành cho Phân tích kỹ thuật. 

Bài tập về nhà của phần này là
-Phân biệt giữa Đầu tư giá trị và Đầu tư tăng trưởng.
-Sử dụng thành thạo các trang web như Stockbiz.vn , Cafef.vn để có thể nắm rõ thông tin cơ bản của bất kỳ cổ phiếu nào.

Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ!

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Những kiến thức cơ bản về Chứng khoán (Phần 1)

Sau khi hoàn thành những bài học Warm-up khởi động, tôi hy vọng những bài học đó đã có thể hâm nóng phần nào quyết tâm làm giàu ở các bạn. Từ hôm nay, chúng ta bắt đầu đi tìm hiểu về thị trường Chứng khoán, bắt đầu từ những kiến thức đơn giản nhất.

Chương này sẽ giải thích rằng tại sao ta nên đầu tư vào Cổ phiếu, và sẽ giới thiệu cho bạn những kiến thức cơ bản nhất đủ để có thể bước chân vào TTCK.

1.Tại sao nên đầu tư vào Cổ phiếu?

Thứ nhất, đầu tư vào Cổ phiếu là bạn có thể làm chủ những công ty tốt. Và thứ hai, trong các loại hình đầu tư, đầu tư Chứng khoán luôn cho hiệu suất sinh lời cao nhất.

Bạn mua 100 cổ phiếu VNM, dù chỉ là số lượng nhỏ nhưng bạn đang sở hữu một phần của "Công ty cổ phần sữa Việt Nam". Là người sở hữu công ty, bạn không cần phải cho bò ăn, không cần đi vắt sữa bò, không cần mở đại lý bán sữa, không phải quản lý tài sản công ty, cân đối tài chính... Ấy thế mà cuối năm bạn vẫn được hưởng cổ tức 15%-20%, lấy từ lợi nhuận kinh doanh của Vinamilk. Thật tuyệt, không phải làm gì mà vẫn có lợi nhuận cơ đấy! Khi bạn không còn hứng thú với VNM nữa bạn có thể bán 100 cổ phiếu đó cho người khác, thật tiện lợi phải không? Đó là lý do tại sao nên đầu tư vào Cổ phiếu. Đầu tư vào Cổ phiếu khiến bạn trở thành ông chủ, chứ không phải người làm thuê.

Bây giờ chúng ta hãy cùng xem trong thời gian trung bình 1 năm, lĩnh vực đầu tư nào mang lại lợi nhuận cao nhất:
- Chứng khoán: Trung bình mỗi năm (kể cả những năm khủng hoảng) TTCK đều có 2 sóng lên, nếu mua vào đúng sóng sẽ cho lợi nhuận từ 20%-50%. Trung bình là 35% một năm.
- Vàng: Trung bình 20% một năm.
- USD: Trung bình 12% một năm.
- Gửi tiết kiệm: Trung bình 16% một năm.
- Trái phiếu: Trung bình 11% một năm.

Trong khi đó lạm phát nước ta trung bình 1 năm là 15%, có nghĩa là nếu đầu năm bạn có 100 triệu thì đến cuối năm số tiền đó chỉ đáng giá 86 triệu. Để không bị "mất tiền" thì từ 100 triệu của bạn phải đầu tư vào nơi nào cho lãi suất lớn hơn 15%.

Dựa vào thống kê phía trên thì chỉ có đầu tư vào Chứng khoán, vàng, và gửi tiết kiệm mới cho lợi nhuận lớn hơn 15%/năm. Và đầu tư vào Chứng khoán là cho lãi suất cao nhất.

Dưới đây là thống kê so sánh mức độ sinh lời của các loại hình kinh doanh từ năm 1926-2010:


Đường màu xanh thể hiện mức lợi nhuận đầu tư vào Cổ phiếu, các màu còn lại là Vàng, USD, Trái phiếu các loại.

2.Tại sao lại sinh ra Thị trường chứng khoán?

Các công ty muốn bạn mua cổ phiếu của họ vì họ có thể dùng số tiền của bạn để mua máy móc mới, phát triển sản phẩm mới, và mở rộng kinh doanh. Số tiền đầu tư của bạn sẽ làm cho công ty mạnh hơn. Nhưng công ty phát hành cổ phiếu bằng cách nào?

Giả sử tôi là chủ sở hữu công ty VNM, tôi muốn phát hành cổ phiếu của mình để bán cho những nhà đầu tư quan tâm đến công ty của tôi. Dĩ nhiên mục đích là bổ xung nguồn vốn để phát triển công ty. Tôi quyết định sẽ phát hành 10 cổ phiếu, mặc dù tôi có thể phát hành 100 cổ phiếu, hay thậm chí 1 triệu cổ phiếu đều được, số lượng cổ phiếu không quan trọng. Điều duy nhất mà các nhà đầu tư quan tâm là họ sẽ được sở hữu bao nhiêu % cổ phần trong công ty. Tôi giữ 6 cổ phiếu cho mình, và bán 4 cổ phiếu còn lại cho 4 người khác với giá 1 triệu/cp. Sau phi vụ này, tôi sở hữu 60% của VNM và 40% còn lại thuộc về các cổ đông lớn. Đây hoàn toàn là hợp đồng bí mật giữa các cổ đông. Bạn chưa thể tìm được thông tin về công ty VNM trên bất kỳ tờ báo nào cả.

Sau một thời gian kinh doanh, tôi thấy rằng để công ty có thể phát triển mạnh hơn nữa thì tôi phải tăng thêm lượng vốn đầu tư vào VNM. Tôi quyết định sẽ bán cổ phiếu VNM ra công chúng. Tôi mang hồ sơ công ty đến nhờ tư vấn từ công ty chứng khoán FPTS, họ quyết định sẽ thực hiện một nghiệp vụ gọi tắt là IPO (initial public offering) - đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng. Tôi nói với họ là tôi muốn tăng vốn lên 1 tỷ, họ tư vấn ngay cho tôi là sẽ phát hành 500.000 cổ phiếu với giá 2000 đồng/cp. Nếu số cổ phiếu IPO đó không được các nhà đầu tư mua hết thì FPTS sẽ đứng ra mua số còn lại. Sau đó FPTS có quyền bán cho người khác với mức giá nào cũng được. Thị trường mà những nghiệp vụ trên được thực hiện gọi là : Thị trường sơ cấp.

Số cổ phiếu còn lại mà FPTS bán chưa hết sẽ được đem tới giao dịch ở thị trường khác gọi là : Thị trường thứ cấp. Thị trường này là nơi mua bán cổ phiếu của tất cả các công ty đã đăng ký niêm yết. Tại đây thị giá cổ phiếu VNM có thể biến động thay đổi từng ngày tùy theo cung cầu thị trường, nhưng không hề ảnh hưởng đến số tiền của tôi đã huy động được ở Thị trường sơ cấp. Tôi cũng chẳng cần quan tâm đến giá của VNM hiện đã tăng lên 10.000 hay giảm xuống còn 1000 đồng. Việc của tôi là dùng số tiền thu được từ IPO để mua thêm bò, xây thêm nhà xưởng, mở rộng đại lý... Việc theo dõi giá lên, giá xuống của VNM thuộc về những người khác, những người này kiếm lợi nhuận dựa vào biến động giá lên xuống của VNM. Họ được gọi là các Investor (nhà đầu tư) hoặc Trader (nhà đầu cơ).

Thị trường thứ cấp còn được gọi là Stock Market, nói nôm na theo tiếng Việt là Chợ chứng khoán. Như đã nói ở trên, TTCK hay Chợ chứng khoán đã được sinh ra từ nhu cầu trao đổi, mua bán cổ phiếu giữa các nhà đầu tư và đầu cơ. Ở Việt Nam có 2 Chợ chính: HOSE - sàn Hồ Chí Minh và HNX - sàn Hà Nội.

-Sàn HOSE chuyên niêm yết các cổ phiếu có vốn hóa lớn + trung bình.
-Sàn HNX chuyên niêm yết các cổ phiếu có vốn hóa vừa + nhỏ.

3. Tham gia Thị trường Chứng khoán.

- Để có thể tham gia mua bán ở Chợ chứng khoán, bạn phải có một tài khoản Chứng khoán mang tên bạn hoặc tài khoản của người khác nhưng được ủy quyền cho bạn.
- Chọn 1 CTCK để mở tài khoản: Mở tài khoản Chứng khoán ở Việt Nam là hoàn toàn miễn phí. Theo tôi bạn nên mở tài khoản ở các CTCK có dịch vụ Online tốt và ổn định, ví dụ: FPTS, VNDIRECT, HSC.. Bạn có thể mở nhiều tài khoản ở nhiều CTCK khác nhau, sau đó hãy làm phép so sánh giữa các CTCK để chọn ra CTCK phù hợp với bạn nhất. Cá nhân tôi thì mở tài khoản ở FPTS.
- Bạn nên tự quyết định các giao dịch của mình bằng tài khoản Online, không cần thiết phải nhờ tư vấn của các Broker.
- Bạn hãy lưu lại số điện thoại liên lạc của CTCK nơi bạn mở tài khoản để đề phòng khi hệ thống Online gặp trục trặc bạn vẫn có thể đặt lệnh qua điện thoại.
- Thời gian giao dịch: từ thứ 2 - thứ 6 hàng tuần, 8h30 - 11h , chung cho cả 2 sàn.

4. Bảng giá và Phương thức khớp lệnh.


-Chỉ số chung thể hiện biến động giá của tất cả các cổ phiếu trên sàn HOSE là VNINDEX.
Giá màu vàng là giá tham chiếu, sàn HOSE lấy giá khớp lệnh cuối cùng của phiên hôm trước làm giá tham chiếu cho phiên hôm sau. Biên độ giá ( tăng hoặc giảm ) là 5%.

Ấn vào Đây để tham khảo bảng giá. Ấn vào "Chọn thêm" - chọn "Xem tất" - rồi ấn vào "Xem"

-Chỉ số chung thể hiện biến động giá của tất cả các cổ phiếu trên sàn HNX là HNX-INDEX.
Sàn HNX lấy giá khớp lệnh trung bình của phiên hôm trước làm giá tham chiếu cho phiên hôm sau. Biên độ giá là 7%.

Ấn vào Đây để tham khảo bảng giá.

- Phương thức khớp lệnh: 
Sàn HOSE sử dụng phương thức khớp lệnh định kỳ : Ấn vào Đây.
Sàn HNX sử dụng phương thức khớp lệnh liên tục: Ấn vào Đây.

5. Tra cứu thông tin về Cổ phiếu và TTCK.

- Thông tin về sàn HOSE : www.hsx.vn 
- Thông tin về sàn HNX : www.hnx.vn
- Thông tin về từng cổ phiếu : stockbiz.vn , stox.vn , ndhmoney.vn , cafef.vn
- Thông tin về thị trường : atpvietnam.com , vneconomy.vn
- Diễn đàn : f319.com
- Thông tin về các chỉ số quan trọng trên Thế Giới: Ấn vào Đây.

6. Đầu tư hay Đầu cơ?

Hầu hết những người tham gia vào TTCK đều tự gọi họ là nhà đầu tư, nhưng sự thực phần lớn họ lại là những nhà đầu cơ. Chúng ta cùng tìm hiểu xem giữa nhà đầu tư và nhà đầu cơ khác nhau ở điểm gì:

-Nhà đầu tư: Khẩu hiệu - Mua và Nắm giữ , khả năng chịu lỗ cao, chỉ bán ra khi có lợi nhuận.
-Nhà đầu cơ: Khẩu hiệu - "Trend is Friend" ( xu hướng là bạn ) , khả năng chịu lỗ thấp, đánh nhanh rút nhanh.

Dưới đây là đoạn phỏng vấn giữa Phóng viên với Nhà đầu cơ (A) và Nhà đầu tư (B):

-Cổ phiếu là gì? 
A: Là tờ giấy có thể mua đi bán lại tạo ra lợi nhuận.
B: Là chứng nhận quyền làm chủ 1 phần của doanh nghiệp.

-Thời gian bạn nắm giữ 1 cổ phiếu là bao lâu?
A: Ngắn hạn, thường là 2 tuần cho đến vài tháng. Tùy độ dài sóng.
B: Dài hạn, 2 - 3 năm.

-Khi nào thì bạn mua cổ phiếu?
A: Khi cổ phiếu đã giảm giá quá sâu, ở vùng hỗ trợ, các tín hiệu kỹ thuật cho chỉ báo "mua vào".
B: Khi thị giá của cổ phiếu bị đánh giá thấp hơn giá trị thật. ( căn cứ vào P/B , P/E, Cashflow..)

-Khi nào thì bán cổ phiếu?
A: Khi cổ phiếu đã tăng quá nóng, ở vùng kháng cự, các tín hiệu kỹ thuật cho chỉ báo "bán ra".
B: Khi thị giá của cổ phiếu tiệm cận với giá trị thật.

-Câu nói mà bạn thích nhất?
A: Trend is Friend - Xu hướng là bạn.
B: Buy good companies at cheap prices - Mua công ty tốt với giá rẻ.

-Những người thầy của bạn là ai?
A: Charles Dow, Ralph Elliott, William Gann, Nicolas Darvas..
B: Benjamin Graham, Warren Buffett, Philip Fisher..

-Công cụ phân tích của bạn?
A: Technical analysis - Phân tích kỹ thuật , Bảng giá,  Phân tích tâm lý đám đông, Biểu đồ.
B: Fundamental analysis - Phân tích cơ bản, Bảng cân đối tài chính, Thông tin doanh nghiệp.

-Các thuật ngữ ưa thích của bạn?
A: Đường trung bình động, RSI, Khối lượng, Hỗ trợ và Kháng cự.
B: P/E , P/B , P/S , Cashflow, ROE, ROA.

Bây giờ thì bạn đã phân biệt được thế nào là đầu cơ và thế nào là đầu tư rồi chứ? Tất nhiên bạn không nhất thiết phải tự bó buộc mình vào một phong cách cụ thể mà hoàn toàn có thể hòa trộn hài hòa cả hai nếu muốn.

Bạn hãy tưởng tượng trong 2 trường phái Đầu tư và Đầu cơ đều có những miếng ghép khác nhau. Công việc của bạn đơn giản là lựa chọn những miếng ghép phù hợp để tạo nên một Phong cách cho riêng mình.


Chúng ta tạm dừng phần 1 tại đây. Bài tập về nhà của phần này là :
- Hãy lập tài khoản Chứng khoán tại 3 công ty chứng khoán bất kỳ, tự so sánh rồi chọn ra 1 CTCK phù hợp nhất với bạn.
- Nắm rõ cách đọc bảng giá và phương thức khớp lệnh của 2 sàn.

Chúc bạn có một cuối tuần vui vẻ!