Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Phân tích khối lượng với xu hướng của thị trường.

Ở bài trước chúng ta đã được biết đến vai trò của Khối lượng ( Volume ) ở vùng đáy và vùng đỉnh. Tôi có thể tóm tắt ngắn gọn lại rằng : tại vùng đáy Volume thường thấp đột biến so với trung bình, còn tại vùng đỉnh thì Volume thường cao đột biến so với trung bình. Hôm nay tôi sẽ đi sâu hơn nữa về vấn đề phân tích chỉ báo Volume đối với xu hướng của thị trường.

Khối lượng khớp lệnh ở từng giai đoạn của thị trường sẽ khác nhau, vì vậy muốn phân tích chính xác phải lấy  tham chiếu Volume tại thời điểm cần phân tích.
1. Khối lượng trung bình.
Chúng ta hãy xem xét khối lượng khớp lệnh trung bình trong 5 - 10 phiên. Lấy biểu đồ Vnindex hiện nay làm ví dụ:


- Khối lượng < 20 triệu : Thấp ( thường xuất hiện ở vùng đáy )
- Khối lượng 20 - 40 triệu : Trung bình
- Khối lượng 40 - 60 triệu : Cao
- Khối lượng > 60 triệu : Rất cao ( thường xuất hiện ở vùng đỉnh )

2. Phân tích khối lượng với xu hướng tăng giá của thị trường.

- Vnindex tăng nhẹ, khối lượng giao dịch không thay đổi nhiều ( tăng hay giảm nhẹ): người cầm tiền không muốn mua giá cao, người cầm cổ phiếu lưỡng lự không muốn bán giá thấp. Niềm tin về sự tăng giá của thị trường bị nghi ngờ, nếu tình trạng này nếu kéo dài thì người cầm cổ phiếu sẽ buộc phải bán giá thấp, Vnindex sẽ tiếp tục giảm điểm.


- Vnindex tăng nhẹ, khối lượng giao dịch tăng nhẹ theo: tâm lý NĐT đã được cải thiện, các lệnh bán đều được lệnh mua khớp tương ứng. Nhu cầu mua bán đều được thỏa mãn, niềm tin đang dần thay thế sự sợ hãi. Vnindex không giảm điểm nữa, nhưng chưa thể kết luận Vnindex đã vào sóng tăng hay chưa.


- Vnindex tăng mạnh, khối lượng giao dịch tăng mạnh ( đột biến ): Lực cầu rất mạnh, cung bao nhiêu lực cầu sẵn sàng mua vào bấy nhiêu. Niềm tin về sự hồi phục của thị trường lấn át hoàn toàn sự sợ hãi. Vindex chính thức bước vào sóng tăng, nếu sợ phải đua lệnh, hãy canh mua ở những phiên điều chỉnh !


Tuy nhiên phải đề phòng trường hợp thị trường đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ Uptrend.


3. Phân tích khối lượng với xu hướng giảm giá của thị trường.

 - Vindex giảm nhẹ, khối lượng giao dịch giảm dần: người cầm tiền chỉ chịu mua giá thấp, người cầm cổ cũng không muốn bán giá thấp. Niềm tin về sự tăng giá của thị trường đã giảm sút, nỗi lo sợ đang dần tăng lên. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến sự giảm giá mạnh của Vnindex.


 - Vnindex giảm nhẹ, khối lượng giao dịch tăng nhẹ: những người cầm cổ đã sẵn sàng bán giá thấp, nỗi sợ hãi đang lấn át niềm tin. Những người mua vào cổ phiếu đang hy vọng thị trường đã tới đáy, nói cách khác đây là hiện tượng bắt đáy. Hiện tượng này thường xảy ra ở các mốc tâm lý hoặc vùng hỗ trợ của Vnindex.
Hãy cẩn thận, thị trường chạm mốc này có thể hồi phục vài phiên nhưng một khi Vnindex phá mốc tâm lý sẽ xảy ra hiện tượng bán tháo.


- Vnindex giảm mạnh, khối lượng giao dịch tăng cao ( đột biến ): Người cầm cổ sẵn sàng bán ra bằng mọi giá để thoát ra khỏi thị trường. Nỗi lo sợ lấn át hoàn toàn niềm tin. Tuy nhiên việc Volume tăng cao đột biến chứng tỏ rằng người mua sẵn sàng mua vào cổ phiếu, bán bao nhiêu mua vào bấy nhiêu. Khi lực bán cạn kiệt là lúc thị trường chấm dứt giai đoạn sụt giảm, bước vào thời kỳ tích lũy.


4. Uptrend thật hay Uptrend đểu?
Mỗi một Uptrend dài đều có giai đoạn thị trường tạo đỉnh tạm thời, sau đó đi xuống để kiểm tra lại xem dòng tiền có bền vững hay không. Uptrend thật được hỗ trợ bởi dòng tiền mạnh, có vĩ mô ủng hộ, còn Uptrend đểu chỉ được hỗ trợ bởi dòng tiền đầu cơ, đánh nhanh rút nhanh.

- Nếu dòng tiền đổ vào thị trường lớn, mọi nhu cầu bán cổ phiếu chốt lời được đáp ứng hết. Thị trường dần hồi phục, lực mua mạnh đẩy Vnindex vượt qua đỉnh tạm thời vừa được thiết lập --> Thị trường tiếp tục xu hướng Uptrend.




- Nếu dòng tiền đổ vào thị trường yếu, lực cầu không đủ đáp ứng lượng cung cổ phiếu chốt lời. Thị trường không thể chinh phục đỉnh tạm thời vừa được thiết lập --> Thị trường kết thúc xu hướng Uptrend.


Để không bị thua lỗ trên thị trường chứng khoán, bạn phải biết bình tình xem xét liệu Vnindex có còn đi lên nữa không. Chúng ta sẵn sàng mua vào khi Vnindex mạnh mẽ vượt qua đỉnh cũ của nó, nhưng phải biết kiềm chế lòng tham khi Vnindex tăng điểm mạnh nhưng vẫn chưa vượt được đỉnh cũ. Mọi sự nóng vội sẽ phải trả giá bằng việc bị kẹp cổ phiếu ở mức giá cao, khi đó thua lỗ là không thể tránh khỏi!

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Đâu là đáy - Đâu là đỉnh ?

4.Dấu hiệu nhận biết vùng đáy và vùng đỉnh.

Mỗi một con sóng đều bắt đầu từ vùng đáy, rồi đi lên và kết thúc ở vùng đỉnh. Để xác định được chính xác đâu là đáy, đâu là đỉnh thì rất khó nhưng việc xác định Vùng đáy và Vùng đỉnh thì lại không hề khó chút nào.

Từ kết luận của phần 3, ta có thể suy ra rằng:
-Vùng đáy: là nơi mà Nỗi sợ hãi của NĐT lên cao nhất, Nhà cái mua vào Cổ phiếu.
-Vùng đỉnh: là nơi mà Niềm tin của NĐT lên cao nhất, Nhà cái bán ra Cổ phiếu.

Khi đi săn, để tìm ra được nơi ở của con thú thì người đi săn phải lần theo dấu chân của con thú đó. Bây giờ hãy coi Vnindex là một con thú, chúng ta - người đi săn sẽ phải lần tìm theo dấu chân của Vnindex. Vậy dấu chân của Vnindex nằm ở đâu? Dấu chân đó chính là Khối lượng ( Volume ).

-Vùng đáy có đặc điểm là Volume thấp, do các NĐT sợ hãi không dám mua vào chỉ muốn bán ra, Nhà cái đẩy mạnh mua vào.
-Vùng đỉnh có đặc điểm là Volume cao, do các NĐT hưng phấn với niềm tin mua là thắng, Nhà cái đẩy mạnh bán ra.

Để hiểu rõ mời các bạn theo dõi biểu đồ sau:


Kết luận: Để tránh việc mất tiền vào tay Nhà cái, chúng ta phải biết lần theo dấu chân để lại của Nhà cái thông qua Volume thể hiện trên biểu đồ.

"Chỉ có một cách duy nhất kiếm được tiền từ TTCK, trừ việc gặp may mắn đó là làm theo những gì Nhà cái làm."

 5.Một số công cụ kết hợp để xác định Vùng đáy - Vùng đỉnh.

- Ngưỡng Hỗ trợ và Kháng cự: mời các bạn xem lại minh họa ở phần 2.


- Đường MACD:
cắt từ dưới đi lên thể hiện xu hướng Uptrend, cắt từ trên xuống thể hiện xu hướng Downtrend


- Phân kỳ Âm và Phân kỳ dương:


6. Biểu đồ tâm lý.

Chắc hẳn bạn đã trải qua những sắc thái tâm lý như trong biểu đồ dưới đây trong "sự nghiệp Chứng khoán" của mình. Tôi cũng đã trải qua tâm lý giống hệt trong biểu đồ, đã có những lúc tuyệt vọng quá mà bán rẻ cổ phiếu tại vùng đáy, và đã có lúc hưng phấn quá mà tất tay mua vào tại vùng đỉnh. Đó đều là những bài học xương máu, phải trả bằng những giá rất đắt. Tuy nhiên, "ngã càng đau thì càng nhớ lâu", cũng nhờ vậy mà tâm lý trading của tôi cũng dần ổn định hơn, nhờ vậy mà các quyết định mua bán cũng trở nên chính xác hơn.

Bạn phải luôn ghi nhớ rằng:
"Mua bán Cổ phiếu phải dựa vào Lý trí, không bao giờ được mua bán theo Cảm tính + Cảm xúc."


7.Một số chỉ báo khác.
-Media, báo chí liên tục đăng các tin tức xấu, tỏ ra bi quan với TTCK thì đó là 1 dấu hiệu ở vùng đáy. Và ngược lại.
-Các cổ đông nội bộ của các doanh nghiệp niêm yết đăng kí mua vào lượng lớn cổ phiếu --> Báo hiệu giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn. Và ngược lại.
-Khi lên sàn Chứng khoán, bạn thấy rằng chỉ có lèo tèo trên dưới 10 người ngồi, họ theo dõi bảng điện thì ít mà ngồi buôn chuyện với nhau thì nhiều  --> Chứng tỏ còn rất ít người quan tâm đến Chứng khoán và thị trường đang ở vùng đáy. 

Nguyên lý hoạt động của TTCK.

Chắc hẳn đến giờ phút này các bạn đã nắm rõ được hầu hết những kiến thức cơ bản về Thị trường chứng khoán rồi, nhưng liệu rằng những kiến thức đó đã gọi là đủ để bạn có thể bắt tay vào những phi vụ mua bán cổ phiếu?

Rất nhiều người thua lỗ nặng nề trên TTCK, nhưng họ không hề biết lý do tại sao họ lại bị thua lỗ, họ liền đổ tại cho việc "không may mắn", tại "lạm phát" quá cao, tại "giá vàng" tăng vọt, tại "Dow Jones" tự nhiên giảm điểm... Nói chung họ tìm đủ mọi lý do để bào chữa cho việc thua lỗ, nhưng liệu có mấy người tự nhận rằng "Là do bản thân mình kém cỏi" ? Việc tự nhận mình kém, hay nói cách khác là chấp nhận sự thất bại là rất cần thiết trên TTCK. Vì khi đó ta sẽ có ý thức đúng đắn về bản thân mình, nhận thấy được sai lầm của mình một cách khách quan nhất, rồi từ đó bạn mới có thể rút ra được kinh nghiệm để lần sau không mắc sai lầm đó nữa.

1.Xác định xu hướng của thị trường.

Sai lầm cơ bản nhất của những người mới bước chân vào TTCK (và cả những người mua bán thua lỗ lâu năm) là không xác định được xu hướng hiện tại của Thị trường. Họ sẵn sàng mang tiền của mình đi mua cổ phiếu mà không biết được liệu Thị trường có còn đi lên được nữa không, hay Thị trường đã kết thúc xu hướng đi xuống hay chưa. Việc này có thể được ví như 1 người bị lạc trong rừng phải biết tìm cách xác định phương hướng để tìm lối ra ( trèo lên cây, xem hướng mặt trời, đi ven dòng suối), nếu người đó chỉ biết cắm đầu  mà chạy thì khó có thể tìm được lối thoát, hậu quả là ngày càng bị mắc kẹt hơn.

Nhiều người mua cổ phiếu xong rồi lý luận: "tôi chỉ quan tâm đến cổ phiếu của tôi chứ cần gì quan tâm đến Vnindex". Đó là luận điệu sai lầm, vì chỉ khi Vnindex tăng thì cổ phiếu mới có khả năng tăng, khi Vnindex giảm thì khả năng lớn là cổ phiếu sẽ giảm theo.

TTCK có 3 xu hướng:
-Đi lên ( Uptrend ) : Mua là thắng - Thường bắt đầu bằng một tin tức tốt mang tầm Vĩ mô.
-Đi xuống ( Downtrend ) : Mua là thua - Thường bắt đầu bằng một tin tức xấu mang tầm Vĩ mô.
-Đi ngang ( Sideway ) : Rất khó mua bán, chỉ dành cho những người có kinh nghiệm - Không có tin Vĩ mô nào đủ sức tạo nên xu hướng Thị trường đi lên hoặc đi xuống.

Dưới đây là biểu đồ chỉ số Vnindex từ năm 2006 - 2011:


Như vậy những nhà đầu tư dài hạn chỉ việc ngồi chờ TTCK bước vào Uptrend để tham gia thị trường. Còn những nhà đầu cơ ngắn hạn "kém kiên nhẫn" hơn sẽ sẵn sàng tìm cơ hội kiếm lời ngay cả khi thị trường đang Sideway. Lưu ý là để Swing ( lướt sóng ) được khi thị trường Sideway thì cần phải có kinh nghiệm, lơ ngơ nhảy vào bừa bãi rất dễ bị "kẹp".

Công cụ PTKT tốt nhất để xác định Trend là EMA20:


2.Hỗ trợ và Kháng cự

-Ngưỡng hỗ trợ ( Support ): được xác định khi cổ phiếu đang trong xu hướng Downtrend, là nơi mà lực mua vào sẽ lớn hơn lực bán ra, cổ phiếu có xu hướng tăng giá trở lại.
-Ngưỡng kháng cự ( Resistance ): được xác định cổ phiếu đang trong xu hướng Uptrend, là nơi mà lực bán ra sẽ lớn hơn lực mua vào, cổ phiếu có xu hướng giảm giá trở lại.

Khi đọc bản tin nói về TTCK, bạn thường hay đọc được những câu kiểu như: Vnindex hôm nay đã giảm sát về ngưỡng hỗ trợ mạnh 380 điểm, dự báo lực bắt đáy sẽ mạnh lên ở các phiên tới, nhà đầu tư nên xem xét giải ngân một phần tiền mặt đề phòng giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại.

Hoặc, hôm nay là một phiên giao dịch sôi động của toàn thị trường, thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức cao, tuy nhiên chỉ số Vnindex đã tiến sát mức kháng cự 460 điểm, nhà đầu tư có cổ phiếu nên xem xét chốt lời một phần tài khoản đề phòng giá cổ phiếu sẽ quay đầu giảm trong những phiên tới.

Vậy, làm thế nào để xác định được đâu là ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự? Rất đơn giản, đó là dựa vào đồ thị giá trong quá khứ.

Ví dụ: nhìn trên biểu đồ, ta nhận thấy đã 2 lần Vnindex từ xu hướng Downtrend chạm ngưỡng 380 điểm bật lại rồi chuyển thành xu hướng Uptrend. Ta gọi ngưỡng 380 điểm là ngưỡng hỗ trợ của Vnindex. Càng nhiều lần chỉ số Vnindex quay đầu tại ngưỡng hỗ trợ 380 thì ngưỡng hỗ trợ đó càng Mạnh ( có nghĩa là xác xuất đảo chiều càng lớn ).



3.Nguyên lý hoạt động của TTCK.

Các nhà đầu tư (đầu cơ) tham gia TTCK thường có suy nghĩ rất "sách vở" là Vnindex tăng - giảm là do quy luật cung - cầu chi phối. Theo đó, khi cầu > cung thì giá cổ phiếu tăng --> Vnindex tăng ; khi cầu < cung thì giá cổ phiếu giảm --> Vnindex giảm. Điều đó theo lý thuyết là đúng nhưng sự thực là quy luật cung - cầu trên TTCK được tạo ra hoàn toàn từ Niềm tinNỗi sợ hãi. Khi các NĐT có niềm tin lớn về sự tăng điểm của Vnindex thì họ sẽ sẵn sàng mua vào cổ phiếu --> các cổ phiếu tăng giá. Khi các NĐT trở nên sợ hãi lo lắng rằng Vnindex sẽ giảm điểm thì họ sẵn sàng bán ra cổ phiếu --> các cổ phiếu giảm giá.

Tóm lại là:
Vnindex tăng điểm khi Niềm tin > Nỗi sợ hãi.
Vnindex giảm điểm khi Niềm tin < Nỗi sợ hãi.

Vậy thì ai là người tạo ra Niềm tin và reo rắc nỗi sợ hãi cho các NĐT tội nghiệp như chúng ta? Liệu có phải là Báo chí với những thông tin Vi mô-Vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước với những chính sách tín dụng-lãi suất, hay do ông Dow Jones cách ta nửa vòng Trái đất xanh-đỏ thất thường...? Không phải, những thứ kể trên chỉ là công cụ để tác động đến tâm lý của NĐT mà thôi.

Trước tiên các bạn hãy tìm hiểu thành phần của một sòng bạc Casino thông thường:
-Nhà cái: Ông chủ - là người có quyền hành to nhất chi phối hoạt động của Casino.
-Người chia bài: Cánh tay phải của Nhà cái, là người trực tiếp chia bài cho người chơi + thu tiền về cho Nhà cái.
-Chân gỗ: Cánh tay trái của Nhà cái, là người tham gia cùng người chơi, nhiệm vụ tung thông tin hỏa mù, lôi kéo người chơi theo ý muốn của Nhà cái.
-Bảo kê: Bảo vệ lợi ích của Nhà cái.
-Người chơi: Tham gia vào Casino, kiếm tiền từ người chơi khác (nếu giỏi), hoặc bị Nhà cái lột hết tiền.

Bây giờ hãy thay thế các thành phần của Casino bằng các thành phần tham gia vào TTCK, kết quả là:
-Nhà cái: là người có quyền hành to nhất chi phối hoạt động của TTCK.
-Người chia bài: Cánh tay phải của Nhà cái - các Công ty Chứng khoán, quản lý tài khoản của NĐT, ăn % từ giao dịch của NĐT.
-Chân gỗ: Cánh tay trái của Nhà cái - Các tờ báo, Media, Brokers với nhiệm vụ đăng tải thông tin tác động lên tâm lý của NĐT.
-Bảo kê: UBCK, hình thức là bảo vệ quyền lợi NĐT nhưng bản chất là bảo vệ quyền lợi của Nhà cái, thể hiện ở cách điều hành trì trệ làm khó cho NĐT ( T+2 mãi không có, cho công ty tăng vốn bừa bãi,... )
-Người chơi: tham gia vào TTCK, kiếm tiền từ các NĐT khác, hoặc bị Nhà cái lột hết tiền.

Kết luận: Nhà cái là người reo rắc Niềm tin và Nỗi sợ hãi cho NĐT, làm cho Vnindex đi lên hoặc đi xuống theo ý đồ của Nhà cái, hòng kiếm tiền từ túi của các NĐT.

Hết phần 1, mời bạn đọc tiếp phần 2 tại Đây.