Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

13 sai lầm cơ bản trên thị trường chứng khoán

Đây là những kinh nghiệm đúc kết từ thực tế buôn chứng khoán của bản thân tôi, từ lúc chân ướt chân ráo bước vào TTCK chẳng biết gì đến lúc đã có chút kinh nghiệm mua bán, từ lúc thua lỗ một chút ít đến lúc kiếm được rất nhiều tiền, và đến cả những lúc trắng tay.
  1. Không trang bị đầy đủ kiến thức:
    Nhiều người bảo rằng "Buôn Chứng khoán Việt Nam không cần kiến thức hay phân tích", tôi thì không đồng ý với quan điểm đó. Cần phải có kiến thức thì mới tồn tại được ở TTCK, có phân tích thì mới biết được thị trường đang ở ngưỡng nào, thị trường đang Uptrend hay Downtrend, lúc này nên bán hay nên mua... Người không có kiến thức sẽ không biết là mình sai vì đâu, sau này khi gặp lại tình huống giống như vậy sẽ lại mắc phải sai lầm mà dẫn đến thua lỗ nặng nề.
    Vậy người "buôn chứng" cần những kiến thức nào? Mời bạn ấn vào đây.

  2. Quá tự tin vào bản thân:
    Tự tin trên TTCK là tốt nhưng quá tự tin dẫn đến tự kiêu thì hãy coi chừng. Không phải lúc nào suy đoán của mình cũng chính xác, vậy nên khi mắc phải sai lầm thì phải lập tức sửa sai ngay. Trong Downtrend, nếu bạn cứ khăng khăng cho rằng mình đúng mà không bán cổ phiếu sớm thì sẽ rất nguy hiểm, vì đến lúc bạn chấp nhận mình đã sai thì tài khoản của bạn đã bị bốc hơi đi khá nhiều rồi.Còn khi thị trường đã đi vào Uptrend nhưng bạn lại không dám nhanh chóng mua vào cổ phiếu, chỉ đến khi thị trường bước vào giai đoạn tăng nóng bạn mới đủ "tự tin" để mua vào thì xác xuất mua phải đúng đỉnh là rất lớn.
     
  3. Không dám cắt lỗ:
    Trường hợp này là hậu quả của việc quá tự tin vào khoản đầu tư của mình. Chính vì quá tự tin nên khi gặp Downtrend, thị giá cổ phiếu đã rớt xuống dưới giá mua vào, nhưng người mua vẫn yên chí rằng chắc chắn giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại. Nói cách khác họ không dám cắt lỗ, họ không thể mất đi khoản tiền quý giá của họ được. Nhiều người vẫn hay lập luận rằng, mình chưa bán cổ phiếu đi tức là mình chỉ đang "lỗ ảo" thôi, bán đi thì sẽ thành "lỗ thật", bán đi là mất tiền thật của mình vậy thì tội gì mà bán! Nhỡ đâu mình vừa bán thì cổ phiếu lại tăng giá thì sao... Ok, vậy là họ tiếp tục "cố thủ", chờ ngày được "giải phóng". Nhưng hỡi ôi, càng "cố thủ" thì giá cổ phiếu lại càng giảm thê thảm. Tâm lý tự tin  ban đầu dần dần chuyển sang hoang mang, từ hoang mang dần dần chuyển sang tâm lý "hy vọng".

  4. Hãy tống khứ 2 chữ "Hy Vọng" ra khỏi đầu bạn:
    Trạng thái hy vọng xuất hiện khi nào? Thứ nhất là khi bạn không biết là nên làm gì, đó là trạng thái bị động. Thứ hai là khi bạn sắp tuyệt vọng. Khi bạn chủ động được cuộc chơi, chủ động với việc mình đang làm và sẽ làm thì bạn sẽ chẳng cần phải hy vọng. Bạn biết được sau khi mình mua cổ phiếu ABC, cổ phiếu ABC đó tăng đến đâu thì bạn sẽ bán, giảm đến đâu thì cắt lỗ thì chính là bạn đang chủ động được cuộc chơi rồi đó.
    Thông thường lúc bạn hy vọng nhiều nhất là lúc bạn đang thua lỗ nhiều nhất. Bạn càng hy vọng bao nhiêu thì lại càng thất vọng bấy nhiêu, thật lạ lùng là cổ phiếu của bạn cứ càng ngày càng "cắm đầu" xuống. Rồi đến một ngày bạn không còn hy vọng được gì nữa, bạn tuyệt vọng, bán bán sạch cổ phiếu cho "rảnh nợ", thì ô kìa, cổ phiếu bạn vừa mới bán sàn đã lại tăng trần, rồi cứ thế tăng và tăng... 
     
  5. Không kiềm chế được cảm xúc:
    Cảm xúc thì người nào cũng có, thể hiện cảm xúc thì dễ nhưng kiểm soát cảm xúc thì rất khó. Khi đối mặt với tình huống thị trường tăng nóng, cổ phiếu tăng trần hàng loạt. Nhìn xung quanh thấy ai ai cũng mua vào, nhà đầu tư khó có thể ngồi yên được, trong lòng sẽ xuất hiện tâm lý nôn nóng cực kì. Người thì nóng bừng bừng, trong đầu thì thôi thúc phải mua thôi không hết hàng không mua được thì lỡ sóng mất. Khi mua vào trong trường hợp này thì 90% là mua trúng đỉnh.
    Ngược lại là trường hợp khi thấy lệnh bán sàn la liệt, nhà đầu tư sợ quá đặt lệnh bán ngay không người khác bán trước mất mình không kịp bán thì chết. Khi bán ra trong trường hợp này thì 90% là bán trúng đáy.
    Hành động dựa vào cảm xúc sẽ chỉ dẫn đến kết quả không mong đợi, vì vậy hãy điều khiển cảm xúc chứ đừng để cảm xúc điều khiển hành động của bạn.

  6. Khi lời ít mà đã vội bán, khi lỗ nhiều mới chịu bán:
    Khi chốt lời thì nên nhìn vào tương quan cung cầu của cổ phiếu, đường giá cổ phiếu đang nằm ở vùng đáy hay vùng đỉnh, thanh khoản của cổ phiếu ra sao, rồi hẵng đưa ra quyết định có nên bán hay giữ lại. Thanh khoản tốt, cầu nhiều hơn cung, cổ phiếu mới bắt đầu chu kì tăng giá thì bạn nên giữ lại.
    Khi thị giá cổ phiếu đã giảm đi 5% là lúc bạn nên bắt đầu nghĩ đến việc cắt lỗ. Lúc này kỷ luật là trên hết, hãy đá đít "hy vọng" và "cảm xúc" càng sớm càng tốt.
    Nên nhớ khi giá của 1 cổ phiếu giảm đi 50% tức là cổ phiếu đó phải tăng 100% để lấy lại mức giá ban đầu. Ví dụ : Cổ phiếu ABC có giá 100k, bị giảm đi 50% còn 50k. Như vậy muốn tăng lên mức giá ban đầu thì cổ phiếu ABC phải tăng 100% từ 50k lên 100k.
    Cắt lỗ càng sớm càng tốt!

  7. Không nhìn vào tổng thể VNINDEX mà chỉ chăm chăm vào cổ phiếu của mình:
    Các cổ phiếu riêng lẻ lên xuống đều dựa theo sự biến động của chỉ số VNINDEX. Cổ phiếu có tốt đến mấy mà thị trường chung lại xấu thì giá vẫn giảm như thường, nhưng cổ phiếu dù có làm ăn thua lỗ đến mấy mà thị trường chung lại tốt thì giá vẫn tăng như thường, thậm chí là tăng mạnh.
    Chính vì vậy, việc mua bán phải luôn dựa vào xu hướng của VNINDEX.
    Ví dụ: Bạn nhận thấy cổ phiếu ABC đã chạm vùng đáy, các chỉ số tài chính đều cho thấy công ty làm ăn rất tốt, bạn liền ra quyết định mua. Nhưng bạn không biết rằng VNINDEX vẫn đang trong giai đoạn đi xuống, và Downtrend vẫn chưa chấm dứt. Trong trường hợp này cổ phiếu ABC dù có tốt mấy thì khả năng tiếp tục giảm giá là 90%. Nếu chịu khó chờ đợi bạn vẫn có thể mua được giá rẻ hơn nhiều.
  1. Trung bình giá xuống:
    Trung bình giá xuống được gọi là phương pháp "cưa chân bàn", nghĩa là giá càng xuống thì bạn càng mua vào, mục đích là để giá mua trung bình giảm xuống, tức là giảm bớt thua lỗ. Lập luận như vậy nghe có vẻ hợp lý nhưng bạn hãy coi chừng. Mua trung bình giá sẽ rất nguy hiểm nếu như tiền mặt của bạn đã hết mà giá cổ phiếu vẫn tiếp tục đi xuống. Lúc đó bạn sẽ trở thành "nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ", rồi bạn lại rơi vào vòng xoáy cắt lỗ hay giữ lại chờ ngày "giải phóng"... 
    Giá như mình cắt lỗ ngay từ đầu thì giờ đã khác...
  1. Bắt "dao rơi" không đúng lúc:
    Trong Downtrend, sắc đỏ phần lớn bao trùm chỉ số VNINDEX, nhưng xen kẽ những phiên đỏ chắc chắn sẽ có một vài phiên xanh tăng điểm là do hoạt động bắt đáy của các nhà đầu cơ nhỏ lẻ là chủ yếu. Hoạt động "bắt dao rơi" được thực hiện chủ yếu do tâm lý sợ bị lỡ sóng của các nhà đầu cơ nhỏ lẻ, họ luôn muốn mình là người mua được giá rẻ nhất, luôn đi đầu, luôn muốn ăn "lồi mồm". Vậy nên khi VNINDEX mới le lói xanh là họ đã nhao nhao lao vào bắt đáy. Trong Downtrend, "bắt dao rơi" 5 lần thì 4 lần là "đứt tay", đến lúc chạm đáy thật thì tiền vốn của bạn đã bị cụt đi non nửa!
    Bắt đáy khi thị trường mới tạo đỉnh và bước vào Downtrend là cực kỳ nguy hiểm, bạn nên chú ý để tránh rơi vào trường hợp này. Tuy nhiên việc xem xét bắt đáy khi thị trường đã đi xuống được một thời gian dài lại không phải là phương án tồi.

  2. Không biết cách chọn cổ phiếu:
    Hãy nhớ rằng : "Không có cổ phiếu tốt hay xấu, không có cổ phiếu đắt hay rẻ, mà chỉ có cổ phiếu tăng giá hoặc giảm giá."
    Trong cùng một khoảng thời gian, một cổ phiếu có chỉ số tài chính đẹp, giá bèo 10.000 vnd chưa chắc đã sinh lời bằng một cổ phiếu làm ăn thua lỗ, giá trên trời 50.000 vnd. Một cổ phiếu muốn tăng giá thì phải thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, ví dụ: cổ phiếu ABC có quỹ đất vài trăm hecta trung tâm thành phố, cổ phiếu DCE vừa có lãi sau 5 quý thua lỗ liên tiếp, cổ phiếu XYZ có đội lái khủng làm giá ( theo tin vỉa hè )...

  3. Mua bán quá nhiều:
    Việc mua bán cổ phiếu thường xuyên sẽ làm bạn mất một khoản tiền kha khá cho phí giao dịch và thuế thu nhập cá nhân, chưa kể phí margin. Trước mỗi quyết định mua bán bạn nên xác định rõ ràng xu hướng của VNINDEX đang là gì: Sideway, Uptrend hay Downtrend. Xác định được xu hướng thị trường, bạn sẽ biết được chính xác mình nên mua hay bán, hay không làm gì cả. Việc mua bán quá nhiều sẽ tạo ra một chuỗi các sai lầm theo kiểu hiệu ứng domino, ví dụ: mua vào --> lỗ --> mua tiếp để trung bình giá --> lỗ hơn --> chuyển sang "đầu tư dài hạn" --> hy vọng giá tăng trở lại --> hoảng loạn --> tuyệt vọng --> cắt lỗ đúng đáy.

  4. Quá tin vào nhân viên môi giới:
    Công việc thực sự của nhân viên môi giới không phải là làm ra tiền cho bạn mà là kiếm tiền từ bạn. Các nhân viên môi giới thường tỏ ra thân thiện vồn vã bởi lý do lớn nhất: họ có thêm hợp đồng kinh doanh. Khách hàng giao dịch càng nhiều, nhân viên môi giới càng nhận được nhiều % hoa hồng. Vì vậy mà họ luôn luôn thúc giục bạn nên mua cổ phiếu này, nên bán cổ phiếu kia, nên dùng margin, nên cầm cố... Nên nhớ rằng tiền của bạn thì nên do bạn quyết định. Không bao giờ được hành động theo sự mách bảo của môi giới hay bất kì ai!

  5. Không dám thừa nhận thất bại:
    Những người mua bán cổ phiếu thua lỗ thường hay chần chừ việc bán cổ phiếu để giảm thiểu thua lỗ. Họ không muốn bán, họ không thể bán vì họ không thể thừa nhận rằng mình đã sai lầm, không dám thừa nhận mình thất bại.
    Bạn được quyền thất bại nhiều lần. Nhưng nên nhớ: phải rút ra được kinh nghiệm từ những thất bại đó thì mới thành công được.

    Buôn Cổ Phiếu.

16 nhận xét:

  1. Cảm ơn anh vì những chia sẽ tâm huyết. Em cũng mới bắt đầu chân ướt chân ráo vào thị trường. Em đang tích lũy dần từ con số O thực sự. Và em cám ơn bài viết của anh :) Học hỏi dần thôi anh nhỉ. Chúc anh năm mới vui vẻ, thành công nhiều hơn nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Ai cũng đều phải bắt đầu từ số 0, làm việc gì cũng phải có đam mê thì mới thu được kết quả bạn ạ.

    Chúc bạn năm mới sẽ thành công với niềm đam mê mới!

    Trả lờiXóa
  3. uh toi doc sach va ho cung noi nhieu nhu vay nhung de thuc hien duoc nhu vay khong phai ai cung lam duoc

    Trả lờiXóa
  4. Bác cứ trade qua thực tế nhiều lần + áp dụng kỷ luật và chiến thuật riêng của mình thì dần dần sẽ làm được.

    Trả lờiXóa
  5. thế túm lại là bây giờ bạn trắng tay hay kiếm được rất nhiều tiền? và bạn nghĩ sau 10 năm nữa bạn sẽ kiếm được rất nhiều tiền hay lại trắng tay?

    Trả lờiXóa
  6. Dear nặc danh,

    Nói về nhiều tiền hay ít tiền cũng chỉ là tương đối mà thôi. Nhưng mình có thể tự hào rằng giờ đây mình có thể kiếm sống được bằng Nghề Chứng khoán.

    Có thể trong 10 năm tới mình sẽ lại phải trắng tay nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là mình biết cách để lấy lại những gì đã mất.

    Trả lờiXóa
  7. ban viet the nay chac huong % tu dich vu mo tai khoan phai khong

    Trả lờiXóa
  8. Tớ không được hưởng % nào đâu bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  9. Đôi khi người ta làm việc tốt chỉ vì cái tâm.Giáo viên muốn đem lại kiến thức cho người khác với mục đích hậu duệ của họ sẽ làm được những điều mà với họ chỉ là nghiên cứu, chứ k hẳn ai cũng nhăm nhăm vào đồng lương !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tớ cũng không phải giáo viên gì đâu bạn, tớ cũng chỉ là trader như bao người khác mà thôi. Mục đích duy nhất của tớ chỉ là mang kiến thức tới cho mọi người, cho những ai quan tâm đến Chứng khoán một cách dễ dàng và dễ hiểu nhất.

      Xóa
  10. Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực cổ phiếu bạn có thể cho biết bạn quan tâm nhất tới chỉ số nào (E,P/B...)và các loại biểu đồ nào có thể giúp bạn tổng hợp thông tin tốt nhất(MAXD, NẾN,Money flow index,RSI,Slow stochastic...) ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn đọc bài này nhé : http://buoncophieu.blogspot.com/2011/08/nhung-kien-thuc-co-ban-ve-chung-khoan_11.html

      Xóa
  11. It's amazing for me to have a website, which is valuable for my know-how. thanks admin

    my webpage ... walmart garden center
    Also see my website: garden center services

    Trả lờiXóa
  12. Rất nhìu thông tin thú vị,tác giả cũng là người nghiên cứu khá sâu... Tks

    Trả lờiXóa
  13. Chào anh..!
    Theo anh thì phong cách đầu tư của Warren E. Buffet "mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn (có khi vĩnh viễn), tin tưởng vào doanh nghiệp và chỉ nhìn vào cổ phiếu" có áp dụng khả thi ở thị trường chứng khoán Việt Nam không?

    Trả lờiXóa