4) A Random Walk Down Wall Street (Bước đi ngẫu nhiên trên Phố Wall)
Hiếm có cuốn sách nào trình bày mọi vấn đề liên quan đến đầu tư một cách đầy đủ và dễ hiểu như cuốn sách này. Nếu không tính đến những cuốn sách trong nhóm A thì có lẽ đây là cuốn sách mà bất kỳ nhà đầu tư nào (chuyên nghiệp cũng như mới bắt đầu tìm hiểu) cũng nên đọc trước tiên.
Cuốn sách gồm 4 phần chính. Phần đầu tiên hệ thống hóa lại tất cả những kiến thức cơ bản và những “thành tựu” quan trọng nhất của nhân loại trong lĩnh vực đầu tư. Mối quan hệ giữa thị giá và giá trị cũng được giải thích rất đơn giản và súc tích. Đặc biệt, tác giả kể lại những biến cố lớn nhất trong lịch sử, nhằm nêu rõ mối tương quan giữa giá trị và thị giá: từ những sự kiện xưa như cơn sốt hoa Tulip nổi tiếng ở phương tây (mọi người đổ xô săn lùng hoa Tulip, không phải để dùng trong nhà mà để hy vọng bán lại cho người khác với giá cao hơn), đến những biến cố cận đại hơn như cuộc đại khủng hoảng những năm 1930, cơn mê muội cổ phiếu của các công ty chuyên sát nhập hoặc đa dạng hóa ngành nghề (liệu phong trào công ty đa ngành nghề ở Việt Nam hiện nay có lặp lại sai lầm lịch sử của các nước khác???), cơn sốt chứng khoán và bất động sản ở Nhật… kể cả cuộc siêu khủng hoảng do bong bóng dot-com gây ra hồi đầu thế kỷ này cũng được nhắc đến.
Tôi đọc phần này mà thấy tức cười vô cùng. Dân mình hay bị chê vì “tâm lý đám đông”, “tâm lý bầy đàn” nên bị bọn Tây nó dẫn dắt. Thế nhưng nếu lật lại lịch sự thì bọn Tây lại còn “bầy đàn” hơn cả mình nữa, dù là Tây cổ đại, hiện đại, Tây chuyên gia tài chính, Tây trí thức, Tây trọc phú, Tây nông dân, Tây bình dân… Mà không chỉ Tây, cả bọn Nhật vốn được khen là tính toán cẩn thận cũng “bầy đàn” nốt. Vì vậy những ai nghĩ rằng thị trường ở Việt Nam vô cùng nguy hiểm và không “tốt” bằng thị trường nước ngoài vì dân mình còn “bầy đàn” quá thì nên đọc kỹ cuốn sách này. “Bầy đàn” không phải là thuộc tính của người Việt Nam, mà là thuộc tính của con người. Tây, ta, Nhật, Tàu,… đều là người; mà những hỉ, nộ, ái, ố của con người thì hàng ngàn năm qua vẫn chưa bao giờ thay đổi.
Phần “lịch sử của thế giới đầu tư” này khá hấp dẫn và dễ hiểu, nó cũng giúp cho người đọc có hứng thú ngay từ đầu để ngốn hết phần còn lại của cuốn sách này (khá dày).
*****
Ở phần 2, tác giả trình bày chi tiết về những phương pháp đầu tư phổ biến nhất. Đầu tiên là 2 trường phái kinh điển: phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản. Đối với mỗi phương pháp, tác giả nêu ra định nghĩa, cơ sở lý luận để sử dụng, một số ứng dụng cụ thể,… Thật ra những kiến thức này có thể tìm thấy ở bất kỳ cuốn sách nào khác về đầu tư, cho nên tác giả cũng không dành quá nhiều thời gian để trình bày về những nội dung đó.Tuy vậy, điểm khác biệt của cuốn sách này là tác giả đưa ra rất nhiều số liệu cụ thể để dẫn chứng cho tính hiệu quả/không hiệu quả của từng trường phái. Kết quả khảo sát về lợi nhuận của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp qua nhiều giai đoạn, của các cá nhân kiệt xuất,… Bên cạnh đó tác giả cũng đưa ra những lý giải cho từng số liệu và dẫn chứng.
Ở cuối phần 2 thì tác giả kết luận:
- Phân tích kỹ thuật: mặc dù trông có vẻ rất “quyến rũ” và vô cùng “chuyên nghiệp”, nhưng thực tế thì phân tích kỹ thuật hoàn toàn vô dụng. Tác giả, bằng số liệu và dẫn chứng cụ thể của mình cũng như từ những công trình nghiên cứu khác, cho rằng chẳng có ai có thể kiếm lời bằng phân tích kỹ thuật cả, ngoại trừ chính những tổ chức/cá nhân chuyên bán sách, đồ thị,… phục vụ cho người muốn tìm hiểu về trường phái này.
- Phân tích cơ bản: phần lớn các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp ở Wall Street đều dùng phương pháp này. Tác giả cũng cho rằng mặc dù có một số trường hợp thành công, nhưng nhìn chung thì kết quả do phân tích cơ bản đem lại cũng không ấn tượng như mọi người hình dung.
*****
Nếu cả hai phương pháp đầu tư kinh điển nhất đều không tốt, vậy theo tác giả thì phương pháp nào tốt hơn. Ở phần 3, tác giả giới thiệu với người đọc một trường phái mới: những lý thuyết đầu tư hiện đại. Phần lớn những cuốn sách đã xuất bản ở Việt Nam, cũng như các khóa học về đầu tư chứng khoán đều không đề cập đến trường phái này. Điều đó khiến cho rất nhiều người ở Việt Nam hiểu lầm rằng chỉ có 2 trường phái đầu tư duy nhất là phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.Nói nôm na thì ngoài 2 trường phái đầu tư kinh điển trên, giới “hàn lâm” còn đề ra một số phương pháp khác để giúp đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Đơn giản nhất là lý thuyết về quản lý danh mục. Khi theo trường phái này, bạn không cần phải phân tích hoạt động kinh doanh hoặc tình hình tài chính của từng công ty (phân tích cơ bản), cũng không cần đọc đồ thị mô tả giá cả và khối lượng giao dịch (phân tích kỹ thuật), mà bạn sẽ xác định một vài tham số quan trọng, rồi dựa trên một số mô hình tính toán (khá phức tạp) để đưa ra quyết định đầu tư đúng nhất.
Vì cuốn sách này được viết cho đông đảo bạn đọc, nên tác giả đã cố gắng giải thích ý nghĩa của một số mô hình tiêu biểu, kèm theo cách ứng dụng. Bạn có thể an tâm đọc và hiểu phần này ngon lành, vì ngay cả người dốt toán như tôi mà còn lĩnh hội được mà .
Đọc xong phần 3 này thì bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của tiêu đề cuốn sách (vì sao gọi là Bước đi ngẫu nhiên?). Sở dĩ tác giả “chê” các trường phái đầu tư khác là bởi vì ông chính là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho lý thuyết thị trường hiệu quả (Efficient Market Theory). Một số ý tưởng chính của lý thuyết này là:
- Thị giá của từng cổ phiếu (cũng như của toàn thị trường) hoàn toàn ngẫu nhiên, vì vậy mọi cố gắng nghiên cứu những “đường” biến động giá trong quá khứ để dự đoán giá trong tương lai (phân tích kỹ thuật) là hoàn toàn vô nghĩa.
- Mọi thông tin liên quan đến một công ty (lợi nhuận, kỳ vọng tương lai, tài chính,…) đều đã được mọi người trên thị trường nắm bắt và phân tích kỹ, vì vậy thị giá hiện tại luôn phản ánh hết mọi thông tin đó. Nói cách khác, thị trường luôn luôn hiệu quả trong việc định giá một cổ phiếu. Mọi cố gắng tìm ra sự khác biệt nhất thời giữa thị giá và giá trị (phân tích cơ bản) là vô nghĩa.
*****
Phần thứ 4, cũng là phần cuối cùng, là phần “thực hành”. Đã đến lúc bạn vận dụng tất cả hiểu biết của mình để thực sự kiếm tiền. Dĩ nhiên, cũng nên nhìn lại những trường phái đầu tư mà cuốn sách đã giới thiệu qua. Tôi tự lập ra cái sơ đồ sau đây để các bạn dễ hình dung.Như bạn thấy trong hình, ngoài 2 trường phái đầu tư kinh điển thì còn 2 trường phái khác nữa. Lý thuyết đầu tư hiện đại thì đã nói sơ qua ở trên rồi. Còn trường phái quỹ đầu tư là trường phái gì!?? Thật ra chẳng phải là gì ghê gớm cả, mà đó là trường phái do tôi tạm đặt tên cho dễ hiểu vậy thôi. Nếu bạn không biết phân tích cơ bản, không biết phân tích kỹ thuật, cũng không biết nốt về những lý thuyết mới, vậy bạn có đầu tư hiệu quả được không? Dĩ nhiên là vẫn được, bằng cách bỏ tiền cho các quỹ đầu tư khác kiếm tiền dùm bạn.
Khi học “trường phái” đầu tư này, bạn sẽ biết cách đánh giá đâu là một quỹ đầu tư tốt (thay vì đâu là công ty hoặc thời điểm tốt để đầu tư), đánh giá người quản lý quỹ (trung thực, tài năng, kinh nghiệm,…), các chi phí phải trả cho quỹ,… Từ đó bạn sẽ chọn ra được nơi tốt nhất để bỏ tiền vào trong đó. Việc còn lại là để quỹ đầu tư lo.
Tôi cũng rất ngạc nhiên là ở Việt Nam chẳng có ai/nơi nào dạy về “trường phái” này cả, mặc dù theo tôi nghĩ đây là “trường phái” phù hợp với phần lớn mọi người, cá nhân lẫn như tổ chức. Hy vọng sau khi hàng loạt các quỹ đầu tư và các công ty quản lý quỹ mọc ra như nấm thì “trường phái” này sẽ có đất để dụng võ.
Tác giả cuốn sách cũng dành khá nhiều thời gian để trình bày về “trường phái” đầu tư này. Mà quỹ đầu tư cũng có nhiều loại: quỹ đóng hoặc quỹ mở (tất cả các quỹ ở Việt Nam đều là quỹ đóng, hiện nay chưa có quỹ mở). quỹ chủ động hoặc bị động. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể đoán ra ngay tác giả ủng hộ loại quỹ nào. Là một người tin tưởng vào lý thuyết thị trường hiệu quả, tác giả tin rằng cách tốt nhất để đầu tư là mua và nắm giữ trong một thời gian dài chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư chỉ số (index-fund).
Mặc dù vậy, những ai không muốn lựa chọn các index fund thì cũng có thể tìm được rất nhiều lời khuyên bổ ích trong việc lựa chọn quỹ đầu tư cho mình.
Ở những chương cuối cùng, tác giả giới thiệu từng bước cụ thể cho người đọc bắt đầu kế hoạch đầu tư của mình. Chỉ tiếc rằng một số thông tin chỉ phù hợp với điều kiện nước Mỹ, còn ở Việt Nam thì có thể phải được điều chỉnh thì mới áp dụng được. Một số nội dung chủ yếu:
- Nên lựa chọn phương tiện đầu tư nào: cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, vàng, ngoại tệ, tiền mặt, đồ cổ quý hiếm,…? Tác giả giới thiệu qua từng loại hình đầu tư, rủi ro, và đưa ra đề nghị rằng nên đầu tư vào nhiều loại hình khác nhau cùng một lúc, trong đó quan trọng nhất là cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản.
- Trước khi đầu tư thì bạn nên sở hữu được một căn nhà để mình có thể an cư cái đã.
- Cũng cần phải mua bảo hiểm phù hợp với điều kiện bản thân trước khi nghĩ đến chuyện kiếm tiền nhờ đầu tư.
- Tự đánh giá mức chịu đựng rủi ro (risk tolerance) mà bạn có thể chấp nhận. Tác giả đưa ra một số bài kiểm tra khá hay để bạn tự đánh giá sức chịu đựng của mình: ví dụ bạn có thể thoải mái nếu danh mục đầu tư của mình biến động +/- 20% trong một năm được không. Tôi nghĩ nếu có ai đó thiết kế ra được các bài kiểm tra dành cho người Việt thì thật tuyệt vời.
- Cách xây dựng danh mục đầu tư để phù hợp với mức chịu đựng rủi ro mà bạn đã xác định ở trên. Dĩ nhiên danh mục còn tùy thuộc vào kỳ vọng lợi nhuận, tuổi tác, khả năng thu nhập,… của bạn. Tất cả các yêu tố quan trọng đó đều được tác giả trình bày kỹ càng.
- Cách chọn các quỹ đầu tư đáng tin cậy và chi phí thấp. Nên kết hợp với cách đầu tư bình quân giá (vd: mỗi tháng tự động dành ra 30% thu nhập để đầu tư vào quỹ).
Đánh giá chung về cuốn sách
Ưu điểm:
- Nội dung phong phú, đầy đủ mọi thứ mà một nhà đầu tư, dù cá nhân hoặc tổ chức, đều cần biết đến.
- Trình bày đơn giản, dễ hiểu.
- Nhiều số liệu dẫn chứng cụ thể.
- Sách được chia thành từng phần rõ ràng, dễ nắm bắt.
- Giới thiệu những kiến thức vô cùng cơ bản và cần thiết nhưng phần lớn mọi người lại chưa biết đến.
- Những người đã có kinh nghiệm ít nhiều về đầu tư cũng có thể học được rất nhiều: hệ thống hóa lại kiến thức, tự đánh giá lại những mặt mạnh/yếu của các phương pháp đầu tư,…
- Tác giả “bênh” lý thuyết thị trường hiệu quả và quỹ đầu tư chỉ số khá “lộ” ở một số đoạn.
- Cuốn sách này chưa có bản dịch tiếng Việt.
- Nếu có bản dịch thì e rằng đó không phải là bản dịch tốt, vì có rất nhiều nội dung cần phải được chỉnh sửa thì người đọc mới hiểu và vận dụng được ở Việt Nam. Nếu cố học giả Nguyễn Hiến Lê tái thế thì thật là mừng cho nhà đầu tư Việt Nam biết mấy.
------
(Hết-ST)
thanks tác giả nha, em thích nhất cái lối văn phong hài hước mà sâu sắc của tác giả, dù không hiểu gì nhiều nhưng đọc thấy "phê" là được rồi!
Trả lờiXóacuốn sách " BƯỚC ĐI NGẪU NHIÊN TRÊN PHỐ WALL " có rồi mà. Mình mới mua một cuốn mừng quá hehe..
Trả lờiXóamình rất thích cách trình bày cũng như giải thích khá cụ thể của bạn, nhưng mình có 2 vấn đề muốn hỏi...1/ Mình có thể tìm mua các quyển sách trên ở đâu? 2/ Mình rất tệ tiếng anh, vậy làm cách nào để đọc được nó khi không có phụ đề tiếng việt?
Trả lờiXóaBạn ra các tiệm sách ven đường phố Đinh lễ hỏi mua nhé, có cả tiếng việt đó.
Trả lờiXóasao tác giả không noi vè intelligent asset allocator va common sense mutual funds,mà em thấy 1 số cái trong A Random Walk Down Wall Street đi ngược lại với quan điểm của robert t.kyosaki. vd như:"Trước khi đầu tư thì bạn nên sở hữu được một căn nhà để mình có thể an cư cái đã". mà không bik là tác giả đã thực hành theo tất cả các cuốn sách này chưa,xin hỏi là bây giờ cuộc sống của tác giả như thế nào,người nghèo,người trung lưu hay ngươi giàu
Trả lờiXóaMỗi cuốn sách lại nêu lên quan điểm khác nhau của mỗi tác giả. Tớ chỉ nêu lên để mọi người tham khảo thôi, chứ thực ra đây không phải là cẩm nang làm giàu.
Trả lờiXóaTớ chỉ dám nhận là người thuộc tầng lớp bình dân thôi, giàu có thì chưa phải lúc này.
Thân.