Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Những cuốn sách học làm giàu hay nhất (P.1)

Bài viết này sẽ tập trung giới thiệu cho bạn những bí kíp nổi tiếng nhất trên thế giới, kèm theo phân loại cho từng bí kíp để bạn dễ luyện công hơn.

Nhưng luyện xong mấy cuốn bí kíp này thì có thể đầu tư thành công được không?
Trước tiên, phải thừa nhận rằng hiện nay (ở Việt Nam) chẳng có mấy người đọc sách để học cách đầu tư. Lý do đơn giản nhất mà họ đưa ra là: nếu đọc sách mà có thể kiếm tiền được thì ai cũng giàu có cả rồi. Hơn nữa, những gì sách dạy chưa chắc mình có thể hiểu được, mà có hiểu được thì chưa chắc áp dụng được ở Việt Nam.
Suy nghĩ của tôi rất khác và rất đơn giản. Nếu bạn muốn đầu tư thành công hơn mọi người, bạn cần có một chiến lược đầu tư:
  1. Tốt nhất và tin cậy nhất để có thể thực hiện theo nó.
  2. Và đồng thời những người khác chưa biết đến chiến lược đầu tư đó. Dù bạn có luyện được Như Lai Thần Chưởng nhưng tất cả mọi người, từ cô hàng phở cho đến lão nông dân, cũng đã luyện xong rồi thì bạn không thể nào trở thành Minh chủ võ lâm được.
Bởi vậy cho nên luyện đầu tư bằng cách đọc sách có thể sẽ giúp bạn đầu tư thành công vượt bậc ở Việt Nam là vì:
  1. Học được những nguyên lý, chiến lược, và kinh nghiệm đầu tư thành công được đúc kết qua bao nhiêu thế hệ. Còn chuyện có thể áp dụng được ở Việt Nam hay không thì mời bạn… đọc hết bài viết này rồi mình sẽ bàn đến nó ở phần cuối 
  2. Những “tuyệt chiêu” này chưa có nhiều người biết đến ở Việt Nam, bởi vì có rất ít người đã đọc những cuốn sách đó. 
Tôi còn nhớ rõ thời điểm đầu tiên khi tôi làm quen với đầu tư chứng khoán, tôi có hỏi một số người dày dạn kinh nghiệm rằng: “nên đọc sách nào trước tiên?”. Đa số đều khuyên tôi rằng đọc sách làm gì cho mệt, với lại có mấy ai chịu đọc đâu mà vẫn thành công. Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy rằng đó là lời khuyên có ý nghĩa nhất (“đừng học đầu tư bằng cách đọc sách”) dành cho tôi. Dĩ nhiên, tôi nghe lời khuyên đó, nhưng nghe xong thì tôi làm ngược lại.

A/ Những cuốn sách giúp truyền “lửa”
Bước đầu tiên để học đầu tư là phải có “lửa” cái đã. Bạn phải hiểu vì sao phải đầu tư, phải hiểu muốn giàu có thì cần những gì, phải hiểu mình thực sự có khao khát làm giàu bằng đầu tư hay không,… Cuốn “Thép đã tôi thế đấy” làm bừng cháy ngọn lửa cống hiến cho thế hệ trẻ như thế nào thì những cuốn sách này cũng giúp cho nhà đầu tư như thế đấy.

richdadpoordad.jpgrichestmanbabylon.jpgthinkandgrowrich.jpg

1) Rich Dad Poor Dad (Cha giàu Cha nghèo)
Có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều về cuốn sách này nữa. Dù nghĩ rằng nó chưa hẳn là cuốn sách tốt, tôi vẫn thường hay giới thiệu cuốn sách này cho những ai đang đau đáu nỗi niềm làm giàu nhưng chưa biết bắt đầu ra sao. Ai đọc xong cuốn sách rồi cũng đều thấy lửa bừng cháy trong người, và tin rằng đã đến lúc cuộc đời của mình phải đi theo một lối mới.


Theo kinh nghiệm của tôi, nếu bạn chưa đọc cuốn sách này thì có thể mua bản dịch tiếng Việt ở bất kỳ tiệm sách nào gần nhà, đọc phân nửa cuốn đầu tiên rồi thôi. Phân nửa còn lại không nên đọc làm gì. Những tập sau đó trong loạt sách Cha giàu Cha nghèo cũng không nên đọc, nếu lỡ đọc rồi thì nên quên đi. Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách, đã quá lạm dụng thành công của phần đầu để nhai đi nhai lại một bài quen thuộc trong các phần tiếp theo đến phát ngán.

2) The Richest Man in Babylon (Người giàu nhất Babylon)
Đây là cuốn sách tuyệt vời nhất để hướng dẫn cho bạn những nguyên tắc cơ bản nhất về đầu tư và làm giàu. Ngay cả cuốn Cha giàu Cha nghèo, cũng như những sách nổi tiếng khác cùng thể loại, đều dựa vào những nội dung chính của cuốn Người giàu nhất Babylon. Tôi nghĩ đọc Người giàu nhất Babylon vẫn thích hơn vì:
  • Ngắn gọn hơn (chỉ khoảng hơn 100 trang khổ vừa).
  • Viết đơn giản và sâu sắc hơn: cách dẫn dắt giống như chuyện ngụ ngôn giúp thằng em của tôi - người chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào quá 50 trang trừ khi là truyện tranh - có thể ngốn hết cuốn sách một cách thích thú chỉ trong 1 ngày.
  • Không quá tây (hoặc quá Mỹ). Những cuốn sách kiểu như Cha giàu Cha nghèo liên quan rất nhiều đến cuộc sống bên Mỹ, nên bạn đọc người Việt không nạp được một số điểm chính. Cuốn Người giàu nhất Babylon không bị hạn chế này.
  • Rất tâm huyết. Tác giả viết cuốn sách để giúp bạn đọc biết cách làm giàu đúng đắn, còn hầu hết những cuốn sách còn lại được các tác giả khác viết để kiếm tiền cho chính họ từ việc bán sách.
  • Và cuối cùng, đã có bản tiếng Việt và chất lượng cũng khá tốt.
Sau này khi tôi có con cái, một trong những cuốn sách đầu tiên mà tôi muốn chúng đọc qua chính là cuốn sách này. Dĩ nhiên, nếu ai đó muốn hỏi tôi bước đầu tiên để biết cách làm giàu cho bản thân là gì, tôi cũng sẽ không ngần ngại giới thiệu ngay cuốn Người giàu nhất Babylon cho họ.

3) Think And Grow Rich (Suy nghĩ và làm giàu)
Tựa sách đã nói lên tất cả. Được xuất bản năm 1937, cuốn sách của Napoleon Hill tổng hợp quá trình nghiên cứu, phỏng vấn trong suốt hơn 20 năm đối với những người giàu nhất đương thời (ở nước Mỹ), trong đó nổi bật nhất là: vua thép Carnegie, Henry Ford (người sáng lập ra hãng xe Ford), Thomas Edison (nhà phát minh vĩ đại), King Gillette (sáng lập hãng Gillette)… Tác giả cố gắng tìm ra những điểm chung nhất của những người giàu nhất này, rồi từ đó đúc kết lại điểm mấu chốt: điều quan trọng nhất giúp những người này trở nên giàu có là vì họ có suy nghĩ hoàn toàn khác với những người luôn phải vật lột với sự nghèo khó.
Cụ thể, những người giàu nhất giống nhau ở 13 điểm, được thể hiện thành 13 chương trong cuốn sách (và tác giả cũng nhận định rằng đó chính là 13 bước để thay đổi suy nghĩ nếu bạn muốn làm giàu): có khát khao mãnh liệt, niềm tin mạnh mẽ, tự kỷ ám thị (tự thấy được mình đã sở hữu hoặc đạt được mục tiêu mình đang phấn đấu, luôn ám ảnh vì nó), trí tưởng tượng, tính kiên trì, quyết đoán,…
Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên nêu lên quan điểm: vũ khí đầu tiên, và cũng là quan trọng nhất, của một người khi muốn làm giàu (về tiền bạc, kiến thức,…) là phải trang bị những suy nghĩ đúng đắn. Suy nghĩ của ta sẽ quyết định tất cả. Trước đó, quan điểm phổ biến trong “dân gian” là sự thành bại của con người do số phận quyết định, hoặc do xã hội hoàn toàn chi phối,… Về sau này, những cuốn sách dạng phát triển bản thân nổi tiếng khác (như 7 thói quen của người thành đạt, Bí mật của hạnh phúc, Pho mát của tôi đâu rồi,…) đều dựa trên những ý chính của cuốn sách này.
Mặc dù đã có nhiều cuốn sách hay về đề tài tương tự xuất bản về sau nay, nhưng tôi cho rằng cuốn Suy nghĩ và làm giàu vẫn giữ ví trí số 1. Không có cuốn sách nào nêu mọi khía cạnh của đề tài một cách súc tích và chặt chẽ bằng, và không có cuốn sách nào có thể truyền “lửa” mạnh mẽ bằng cuốn sách này. Chỉ cần đọc qua chương đầu tiên là bất kỳ ai cũng sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cuối cùng, tôi chọn cuốn sách này ở vị trí số 1 là vì nó là sách cổ, thuộc hàng kinh điển, món mà tôi bao giờ cũng thích nhất. 
Ngoài ra, nếu bạn đã đọc xong sách mà vẫn không thể áp dụng được hết những nguyên tắc được nêu trong đó, cũng đừng thất vọng hoặc bất mãn. Có 2 điều tốt ở đây:
  1. Bạn hiểu rõ mình không thuộc tuýp người có thể làm giàu (về tiền bạc). Có những nguyên tắc thành công thuộc về bản năng của con người, có người có và có người không có, vì vậy có người đã làm giàu được và có người đã không làm giàu được. Bạn sẽ sớm phát hiện ra có một số nguyên tắc làm giàu, dù rất đúng đắn, nhưng bạn sẽ không thể nào tự “luyện” được. Hiểu được điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm được bao nhiêu thời gian cho cuộc sống của mình, đồng thời cũng giúp bạn biết tập trung khai thác những điểm mạnh mà mình sẵn có.
  2. Sau khi đọc sách, bạn biết cách nhìn nhận ai là người biết cách làm giàu, và rồi cứ việc đầu tư cho người đó.  Bản thân tôi tự thấy mình thiếu rất nhiều điểm cơ bản mà những người giàu có nhất phải có, nhưng tôi chẳng thấy làm buồn. Tôi đi tìm những người có sẵn những tố chất đó (sở hữu đầy đủ 13 nguyên tắc của Napoleon Hill chẳng hạn); hoặc là tôi cùng với người đó làm ăn, hoặc là tôi giao luôn tiền cho người đó tự kinh doanh rồi trả phần tiền lời lại cho tôi.
Cuốn sách này đã thành công trong việc hệ thống hóa lại những nguyên tắc giúp cho con người có thể tự làm giàu. Nhưng không giống như tác giả, tôi cho rằng không phải ai cũng có thể tự “luyện” để sở hữu được các nguyên tắc đó. Dù vậy, điểm hạn chế này của cuốn sách có thể được xóa bỏ nếu như người đọc có cái nhìn thoáng hơn, theo 2 điểm tôi đã nêu ở trên chẳng hạn.
Ngoài ra còn một điểm trừ nữa. Tôi chưa tìm được bản dịch tiếng Việt có chất lượng tốt cho cuốn sách này. Thật đáng tiếc.

B/ Những cuốn sách về trường phái đầu tư bị động
Đừng bị chữ “bị động” đánh lừa bạn. Trường phái đầu tư này không hề buồn chán như cái tên của nó. Ngược lại là đằng khác. Sau khi đã được truyền lửa, bước kế tiếp bạn cần làm là tìm hiểu cụ thể về nghệ thuật đầu tư và làm giàu. Cái đầu tiên cần học là trường phái đầu tư bị động.
Tôi tạm cắt ngang một chút để hỏi bạn 2 câu cực kỳ quan trọng như sau:
  1. Theo bạn thì sữa mẹ và sữa bột cái nào tốt hơn cho em bé?
  2. Nếu có em bé thì bạn cho em bé bú sữa mẹ hay sữa bột?
Lúc chưa có em bé thì ai cũng cho rằng sữa mẹ tốt hơn, và nên cho em bé (nếu có) uống sữa mẹ. Còn khi đã có em bé thì mọi người sẽ lại tin rằng sữa bột tốt hơn, và nên mua càng nhiều sữa bột (và chọn loại càng đắt) cho bé càng tốt. Ngạc nhiên chưa?
Sự thật thì sữa mẹ luôn là lựa chọn tốt nhất dành cho em bé. Sữa mẹ bảo đảm dinh dưỡng, tạo kháng thể cần thiết cho bé, lại còn miễn phí nữa. Thế thì tại sao mọi người lại chọn sữa bột?
Lý do đơn giản nhất là ta không thể (hay rất khó có thể) kinh doanh sữa mẹ. Chẳng ai có thể kiếm nhiều tiền bằng cách bán sữa mẹ cho nhiều người. Vì vậy chẳng ai có thể dùng tiền làm quảng cáo để tác động mạnh đến tâm lý sử dụng của các cha mẹ (có khi nào Vinamilk sẽ quảng cáo sản phẩm mới: sữa mẹ tươi 100% nguyên chất??!!). Ngược lại, sữa bột lại là “bầu sữa” vô tận cho những người kinh doanh (và cả một số bác sĩ đặt y đức thấp hơn cái “bầu sữa” đó). Thế là, tất cả các bậc cha mẹ đều bị tấn công dồn dập bởi bao nhiêu là quảng cáo, lời khuyên, bí quyết… liên quan đến lợi ích của sữa bột. Hơn nữa, hầu như cha mẹ nào cũng có tiền (ngay cả cha mẹ nghèo đến thế nào cũng luôn có tiền-dành-cho-con-cái của mình), và cha mẹ nào lại chẳng có tình thương cho con. Cuối cùng thì họ cũng tin rằng sữa bột thực sự tốt hơn sữa mẹ.
Trở lại với đầu tư. Các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, trường đào tạo chứng khoán… đều sẽ chẳng kiếm được nhiều tiền nếu mọi người chọn cách đầu tư bị động. Họ cần tất cả nhà đầu tư chơi một cách tích cực: mua đi bán lại thật nhiều, sử dụng nhiều dịch vụ phân tích, tư vấn… để họ có thể thu phí . Mà chuyện đầu tư (cổ phiếu chẳng hạn) thì không dễ hiểu như chuyện bú sữa mẹ, cho nên chiến lược tiếp thị của họ rất đơn giản: lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư, họ cứ ra sức tạo cho nhà đầu tư cảm giác rằng muốn thành công thì cần phải biết nhiều thứ, sử dụng nhiều thứ… vì đầu tư rất phức tạp, rất nguy hiểm, nhiều cạm bẫy, chỉ có những người chuyên nghiệp mới thắng,… vân vân và vân vân…
Hầu như ai trong chúng ta vừa sinh ra là đã được bú sữa mẹ, nên tôi nghĩ không cần phải thuyết phục bạn thêm về lợi ích của nó nữa. Tuy nhiên, không có ai trong chúng ta vừa sinh ra là đã biết đến đầu tư, cho nên chúng ta cần những cuốn sách trong nhóm này để hiểu:
Nếu không biết cách đầu tư chuyên nghiệp, mà thay vào đó chỉ biết chơi bị động nương theo thị trường, thì có thể thành công hay không?
(Tương tự, nếu không uống sữa bột, mà thay vào đó chỉ uống sữa mẹ sẵn có, thì có thành công hay không?)
Hầu như mọi khóa học về đầu tư-tài chính hiện nay chỉ tập trung vào những phần “chuyên nghiệp”, “hiện đại” (phần sữa bột) trong nghệ thuật đầu tư, chứ không hề đề cập đến phần “bị động” (phần sữa mẹ) như là những kiến thức cơ bản nhất nếu như ai đó muốn đầu tư.
Bất kỳ cha mẹ nào cũng cần hiểu rõ lợi ích của sữa mẹ trước khi muốn học cách chăm sóc em bé. Khi đã hiểu rõ những lợi ích này, có thể họ sẽ thấy rằng không cần thiết phải bỏ tiền và thời gian để mua thêm sữa bột nữa. Cho dù họ có quyết định mua thêm sữa bột, họ sẽ biết cách cân nhắc xem nó có đáng hay không.
Và đây là 3 cuốn sách nên đọc trong nhóm này:

A Random Walk Down Wall Street The Intelligent Asset Allocator Common Sense on Mutual Funds

Sau khi đọc xong 3 cuốn sách này, bạn sẽ thực sự bước vào thế giới đầu tư. Tôi biết rất nhiều người đã đọc xong một số sách thuộc nhóm A (ví dụ như cuốn Cha giàu Cha nghèo). Họ thấy rằng mình đã hiểu ra nhiều điều, và cần thay đổi, nhưng rồi một thời gian sau lại thấy thất vọng vì mình vẫn bị “mắc kẹt” như trước. Đó là vì những cuốn trong nhóm A là cần thiết, nhưng chỉ là bước tạo đà thôi. Đọc xong sách trong nhóm B mới thực sự đưa bạn vào thế giới đầu tư.

Đọc sách trong nhóm A giống như bạn vừa xem xong cuốn phim Cú nhảy cuối cùng (của Hàn Quốc). Bạn sẽ thấy yêu thích môn bóng rổ đến lạ kỳ. Còn đọc xong sách trong nhóm B giống như bạn vừa trải qua một khóa học cơ bản với những huấn luận viên bóng rổ hàng đầu vậy. Bạn sẽ biết cần làm gì cụ thể để trở thành vận động viên xuất sắc, hoặc có khi bạn sẽ hiểu liệu mình có thể chơi bóng rổ giỏi hay không.

-------

4 nhận xét:

  1. bai viet that la hay,neu toi muon ban giup do toi lam giau thi sao nhiz?,toi thuc su muon lam giau tu doi tay suy nghi of minh!nhung toi khong co tai chinh, ma chi co suy nghi! cam on bai viet thi hay lrat hay!neu tien ien lac vao nick yahoo of toi nha! viet_kieu_khong_mang_theo!chao ban

    Trả lờiXóa
  2. Bạn không có tài chính mà chỉ có đầu óc thì hãy kiếm tiền dựa vào "cái đầu" của mình trước. Think small do small, ít vốn thì kinh doanh nhỏ kiếm vốn nhỏ. Think big do big, có vốn kha khá rồi thì nghĩ cách phát triển..

    Trả lờiXóa
  3. Sao em ko thấy hiện tên cuốn sách ở trường phái đầu tư bị động...hic...???

    Trả lờiXóa
  4. Tên sách ở ngay trên đầu của phần 2 đó bạn.

    Trả lờiXóa